Hội nghị là hành động cụ thể của Việt Nam nhằm triển khai cam kết tại Hội nghị COP26 và COP28, gắn với Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu (Nghị quyết “thuận thiên”). Đây cũng là dịp để các tỉnh trong khu vực cùng bàn bạc, thống nhất để kích hoạt các giải pháp triển khai, nhân rộng mô hình canh tác thuận thiên có hiệu quả, từ đó tạo nên những sản phẩm nông nghiệp đặc thù chất lượng cao phục vụ xuất khẩu và xu hướng tiêu dùng nông sản sạch của thế giới.
Quang cảnh hội nghị
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan khẳng định, thuận thiên là quá trình thích nghi, hài hòa giữa con người với tự nhiên theo cách có kiểm soát, thuận theo các quy luật của tự nhiên để đem lại lợi ích cho con người và bảo vệ hệ sinh thái. Do đó, để phát triển nông nghiệp thuận thiên hiệu quả, các đối tác quốc tế cần hỗ trợ nhiều hơn nữa cho Chính phủ Việt Nam, đặc biệt về nguồn lực, giải pháp tài chính linh hoạt… nhằm triển khai các Chương trình tổng thể phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó có Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030; Đề án Hiện đại hóa hệ thống thủy lợi phục vụ chuyển đổi, phát triển nông nghiệp bền vững tại các tiểu vùng sinh thái vùng đồng bằng sông Cửu Long…
Hội nghị nhằm kết nối các địa phương với doanh nghiệp trong nước nghiên cứu, đề xuất giải pháp phát triển nông nghiệp thuận thiên, tạo liên kết chuỗi với tổ nhóm nông dân để phát triển sản xuất kinh doanh thông qua việc cung cấp nguồn tài chính linh hoạt từ các quỹ đầu tư, thể chế tài chính đa phương và song phương…
Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cam kết sẽ phát huy hiệu quả tốt nhất các nguồn lực hỗ trợ của các đối tác quốc tế, cũng như tham mưu, đề xuất với Chính phủ giải pháp tăng cường chính sách về thu hút viện trợ phát triển chính thức (ODA), đầu tư nước ngoài và các quy định về tiếp nhận, sử dụng nguồn vốn không hoàn lại hài hòa thủ tục giữa bên tiếp nhận và bên hỗ trợ.
Vùng đồng bằng sông Cửu Long đóng góp hơn 90% tổng lượng lúa gạo xuất khẩu của cả nước, giúp Việt Nam đứng thứ 3 trong số các quốc gia xuất khẩu lúa lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, khu vực này đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn, đặc biệt là nguồn nước phục vụ sản xuất, cũng như những tác động bất lợi từ các hình thái của biến đổi khí hậu. Để ứng phó với các nguy cơ có thể xảy ra trong tương lai, thời gian gần đây, nhiều tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long đã triển khai một số chương trình hành động về nông nghiệp thông minh, sản xuất nông nghiệp theo hướng thuận thiên… để nông dân địa phương áp dụng.
Bên cạnh đó, một số đối tác như Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) đã hỗ trợ Việt Nam triển khai thí điểm giải pháp thuận thiên tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long như: mô hình lúa - cá, lúa - tôm, lúa - sen, tôm - rừng… Những mô hình này cho kết quả khả quan về mặt kinh tế nhưng vẫn bảo tồn được đa dạng sinh học và môi trường sinh thái, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững, bảo đảm sức khỏe cho con người, thiên nhiên.