Quốc tế

IEA: Các nước đang phát triển và mới nổi cần tăng mạnh đầu tư vào năng lượng sạch

Thứ bảy, 24/6/2023 | 07:00 GMT+7
Tài trợ cho năng lượng sạch ở các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi phải tăng gấp 7 lần trong vòng một thập niên tới nếu muốn hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức có thể chấp nhận được.

Ngày 21/6, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) công bố báo cáo cho rằng tài trợ cho năng lượng sạch ở các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi, ngoại trừ Trung Quốc, phải tăng gấp 7 lần trong vòng một thập niên tới nếu muốn hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức có thể chấp nhận được.

Trong báo cáo, IEA nhấn mạnh để duy trì các mục tiêu về nhiệt độ khí hậu được đề ra trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015, ngân sách đầu tư hàng năm cho năng lượng từ nguồn nhiên liệu phi hóa thạch ở các quốc gia trên cần tăng từ 260 tỷ USD lên gần 2.000 tỷ USD.

Nếu tính cả Trung Quốc, tổng số tiền đầu tư công và tư nhân dành cho ngành năng lượng tái tạo và các dạng năng lượng trung hòa carbon sẽ cần tăng hơn gấp 3 lần, từ 770 tỷ USD/năm vào năm 2022 lên khoảng 2.500 tỷ USD/năm vào đầu những năm 2030.

Khoản đầu tư này phải được duy trì cho đến giữa thế kỷ nhằm khống chế mức tăng nhiệt độ của trái đất không quá 2 độ C và nếu có thể ở mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, tương ứng với các mục tiêu ràng buộc và kỳ vọng của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

Một dự án điện gió bên bờ biển tỉnh Bạc Liêu

Báo cáo của IEA cũng cảnh báo rằng, trong số khoảng 800 triệu người dân bị thiếu điện và 2,4 tỷ người không được tiếp cận với nhiên liệu nấu ăn sạch, hầu hết ở các nước nghèo và mới nổi.

Theo các xu hướng chính sách hiện nay, khoảng 33% mức tăng trong sử dụng năng lượng ở các quốc gia này trong thập niên tới sẽ đến từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch - nguyên nhân chính gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu.

Trao đổi với báo giới, Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol cho rằng việc tài trợ cho năng lượng sạch ở các quốc gia mới nổi và đang phát triển hiện vẫn chưa thỏa đáng và gây trở ngại cho việc đạt được các mục tiêu khí hậu quốc tế.

Ông Birol lưu ý: "Đầu tư năng lượng sạch đang tăng dần và đây là một tin tốt. Tuy nhiên, hơn 90% lượng năng lượng sạch tăng lên kể từ Hiệp định Paris năm 2015 đến từ các nền kinh tế tiên tiến và Trung Quốc. Chỉ 10% còn lại đến từ các nước mới nổi và đang phát triển". Ông nhấn mạnh việc cần làm hiện nay là thay đổi xu hướng này.

Cũng theo báo cáo của IEA, thế giới có đủ tiềm năng để phát triển lĩnh vực năng lượng tái tạo. Năng lượng mặt trời hiện là nguồn năng lượng có chi phí thấp nhất, với ít nhất 40% bức xạ ánh sáng mặt trời chiếu xuống khu vực phía Nam sa mạc Sahara. Ngoài ra, khoảng 100 gigawat tổng công suất điện mặt trời ở Trung Quốc vào năm ngoái cao hơn gần 10 lần so với lượng điện trên khắp châu Phi.

IEA cho biết, để đáp ứng các mục tiêu về khí hậu và tính bền vững, việc đầu tư vào năng lượng sạch nên tập trung vào 4 lĩnh vực gồm: phát triển các nguồn năng lượng phát thải thấp (năng lượng mặt trời, điện gió), cải thiện hiệu quả trong phân khúc sử dụng cuối (làm mát và vận tải điện), cải tạo mạng lưới điện và dung lượng lưu trữ, thu giữ carbon từ khí thải của các nhà máy công nghiệp nặng.

Báo cáo của IEA được đưa ra trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Hiệp ước Tài chính toàn cầu mới tại Thủ đô Paris của Pháp. Chương trình nghị sự của hội nghị lần này tập trung tìm cách đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch, đồng thời giúp Nam bán cầu chuẩn bị và đối phó với các tác động tàn phá của khí hậu.

Theo TTXVN