Văn hóa, du lịch

Kết nối, lan tỏa những mô hình hay trong xây dựng môi trường văn hóa

Thứ hai, 28/8/2023 | 16:58 GMT+7
Nhân kỷ niệm 78 năm Ngày truyền thống ngành văn hóa (28/8/1945 - 28/8/2023) và hướng tới Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (2/9), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức hội nghị Cán bộ văn hóa toàn quốc.

Hội nghị Cán bộ văn hóa toàn quốc được tổ chức nhằm đánh giá về công tác xây dựng đời sống văn hóa trong thời gian qua; là cơ hội để nhận diện các mô hình tiêu biểu trong xây dựng môi trường văn hóa cơ sở, trao đổi nghiệp vụ quản lý nhà nước về văn hóa, đề xuất các giải pháp nhằm phát huy hiệu quả nguồn lực văn hóa, từ đó nhân rộng, lan tỏa trong đời sống xã hội thời gian tới. Bên cạnh đó, thông qua các hoạt động, toàn ngành sẽ nỗ lực chuyển tải những thông điệp quan trọng, triển khai phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng giữa nhiệm kỳ khóa XIII.

Hội nghị Cán bộ văn hóa toàn quốc là dịp để kết nối, lan tỏa những mô hình hay, cách làm hiệu quả trong xây dựng môi trường văn hóa. Theo đó, tại hội nghị, đại diện các Sở, ngành văn hóa nhiều địa phương đã chia sẻ các mô hình làng văn hóa kiểu mẫu; mô hình đội văn nghệ bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch; hệ thống thiết chế văn hóa gắn với bảo tồn giá trị di sản dân ca Quan họ Bắc Ninh; mô hình nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người lao động thông qua các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao…

Hội nghị Cán bộ văn hóa toàn quốc

Theo thông tin tại hội nghị, công tác xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở những năm qua luôn đạt được kết quả tốt. Trong đó, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tiếp tục được đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, gắn kết với việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, phát huy vai trò phong trào thi đua yêu nước, lối sống và môi trường văn hóa lành mạnh, bản sắc văn hóa dân tộc được bảo tồn và phát huy, tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương và cả nước. Ngoài ra, công tác quản lý và tổ chức lễ hội, ý thức thực hiện nếp sống văn minh khi tham gia lễ hội của người dân đã ghi nhận có chuyển biến tích cực; mức hưởng thụ văn hóa của người dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, có sự cải thiện rõ rệt. Phát triển văn hóa đọc cũng có đóng góp tích cực trong việc hình thành môi trường, nâng cao kỹ năng học tập của người dân trong thời đại công nghệ số. Phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao chuyển biến đáng ghi nhận từ thành thị đến nông thôn.

Tại hội nghị, các đại biểu cùng thảo luận, đánh giá tình hình triển khai, chỉ ra những ưu điểm cũng như khó khăn của các mô hình tiêu biểu xây dựng môi trường văn hóa, gìn giữ văn hóa truyền thống, phát huy hiệu quả nguồn lực văn hóa điển hình, bài học kinh nghiệm trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hóa của dân tộc; trao đổi nghiệp vụ quản lý nhà nước về văn hóa; đề xuất các giải pháp nhằm phát huy hiệu quả nguồn lực văn hóa…

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, trong quá trình xây dựng văn hóa, Đảng và Nhà nước ta đều đề cập phải phát huy bản sắc văn hóa dân tộc nhưng cũng phải biết tiếp thu những tinh hoa văn hóa của nhân loại. Trước mắt, cần tập trung xây dựng Bộ chỉ số văn hóa quốc gia về sự phát triển bền vững, từ đó lượng hóa được giá trị đóng góp của văn hóa trong nền kinh tế. Hơn nữa, cần tập trung cho công nghiệp văn hóa; biết dựa vào văn hóa để phát triển các sản phẩm du lịch đặc sắc tiêu biểu, đưa bạn bè quốc tế đến với Việt Nam, hiểu về Việt Nam, phát huy tối đa tiềm năng văn hóa và du lịch.

Lâm Bảo (T/H)