Văn hóa, du lịch

Đà Lạt hướng đến Thành phố Di sản thế giới

Thứ tư, 23/8/2023 | 15:09 GMT+7
Thành phố sáng tạo toàn cầu theo tiêu chí UNESCO của Đà Lạt dự kiến hoàn thành hồ sơ thẩm định tháng 10/2023 và sẽ công bố vào tháng 12/2023, nhân kỷ niệm 130 năm Đà Lạt hình thành và phát triển. Năng lượng tích cực này giúp chính quyền và nhân dân Đà Lạt đang tiếp tục triển khai xây dựng hồ sơ thành phố Đà Lạt trở thành Thành phố Di sản thế giới.

Ngày 23/8, ông Phạm S-Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo đề xuất thành phố Đà Lạt trở thành Thành phố Di sản chia sẻ với PV Tạp chí Năng lượng Sạch Việt Nam: “Sắp tới đây, chúng tôi sẽ tổ chức hội thảo khoa học. Lâm Đồng quyết tâm hoàn thiện đầy đủ hồ sơ và các thủ tục có liên quan trình UNESCO công nhận để UBND tỉnh Lâm Đồng công bố với nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế trong tháng 9/2025 nhân dịp chào mừng Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ XII”.

Trước đó, tháng 5/2023, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Trần Đức Quận làm việc với Đại sứ Phạm Sanh Châu - Phó Chủ tịch Trung tâm Á - Âu, Vương quốc Bỉ thống nhất việc xây dựng hồ sơ thành phố Đà Lạt trở thành Thành phố Di sản thế giới. Cuối tháng 7, tỉnh Lâm Đồng thành lập Ban Chỉ đạo, Ban Soạn thảo đề xuất thành phố Đà Lạt trở thành thành phố Di sản thế giới do Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp Trưởng Ban Chỉ đạo, Chủ tịch UBND thành phố Đà Lạt Đặng Quang Tú Trưởng Ban Soạn thảo.

Theo đó, UBND tỉnh Lâm Đồng giao UBND thành phố Đà Lạt chủ trì, phối hợp cùng Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, các sở, ngành liên quan nghiên cứu, xây dựng đề án, hoàn thiện hồ sơ và các thủ tục có liên quan để đề xuất công nhận thành phố Đà Lạt trở thành Thành phố Di sản thế giới theo tiêu chí

UNESCO. 

UBND thành phố Đà Lạt đề xuất các điểm-vị trí di sản

Phó Trưởng Ban Chỉ đạo, TS. Phạm S nhận xét: “Việc xây dựng hồ sơ thành phố Đà Lạt trở thành Thành phố Di sản là nội dung rất quan trọng, nhằm quảng bá hình ảnh đất nước và con người Đà Lạt, tăng hiệu quả khai thác di sản và phát triển du lịch trong tương lai, do đó việc xây dựng hồ sơ thành phố Đà Lạt trở thành Thành phố Di sản cần tổ chức triển khai đồng bộ, hiệu quả. Qua nghiên cứu thực tế và xem xét quá trình hình thành và phát triển, đến thời điểm này các bên liên quan xác định Đà Lạt đáp ứng 2 tiêu chí về di sản văn hóa thế giới của UNESCO, đó là: (II) Thể hiện một sự giao lưu quan trọng giữa các giá trị của nhân loại, trong một khoảng thời gian hoặc trong phạm vi một vùng văn hoá của thế giới, về các bước phát triển trong kiến trúc hoặc công nghệ, nghệ thuật tạo hình, quy hoạch đô thị hoặc thiết kế cảnh quan; (IV) Là một điển hình nổi bật về một kiểu kiến trúc xây dựng hoặc một quần thể kiến trúc cảnh quan minh hoạ cho một hay nhiều giai đoạn có ý nghĩa trong lịch sử nhân loại”.

 

Trường Cao đẳng Đà Lạt là một trong những điểm đề xuất di sản 

Một di sản thế giới do UNESCO công nhận là địa điểm hoặc những địa điểm có chung đặc điểm. Các địa điểm này có thể là rừng, dãy núi, hồ, sa mạc, tòa nhà, quần thể kiến trúc hay thành phố... do các nước có tham gia Công ước Di sản thế giới đề cử cho Ủy ban Di sản thế giới, được công nhận bởi những giá trị văn hóa hay giá trị thiên nhiên hoặc hỗn hợp cả văn hoá và thiên nhiên đặc biệt và quản lý bởi Ủy ban Di sản thế giới của UNESCO. Hiện nay, có một bộ gồm 10 tiêu chí chung, trong đó 6 tiêu chí đầu thuộc về di sản văn hóa, các tiêu chí 7 đến 10 thuộc về di sản thiên nhiên.

Biểu thống kê 23 quốc gia có từ 15 di sản thế giới trở lên 

Đến tháng 01/2023, UNESCO đã công bố địa điểm di sản thế giới và 23 quốc gia có từ 15 di sản thế giới trở lên. Gồm: 900 di sản văn hóa; 218 di sản thiên nhiên và 39 di sản hỗn hợp. Toàn cầu có 167 quốc gia thành viên có tài sản được ghi nhận. Tại Việt Nam, đến 8/2023, UNESCO đã công nhận 8 di tích thuộc di sản thế giới. Trong đó, 02 di sản thiên nhiên (Vịnh Hạ Long, năm 1994; Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, 2003); 05 di sản văn hóa (Quần thể di tích Cố đô Huế, 1993; Phố cổ Hội An, 1999; Thánh địa Mỹ Sơn, 1999; Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long, 2010; Thành nhà Hồ, 2011); và 01 di sản hỗn hợp (Quần thể danh thắng Tràng An, 2014).

Minh Đạo
: dalatdisan