Năng lượng mặt trời

Kết quả rà soát dự án điện mặt trời đã hoàn thành thẩm định toàn quốc

Thứ sáu, 8/1/2021 | 08:50 GMT+7
Bộ Công Thương vừa có văn bản số 84/BCT-ĐL ngày 7/1/2021 báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả rà soát điện mặt trời (ĐMT) đã hoàn thành thẩm định toàn quốc.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, cập nhật văn bản số 1870/TTg-CN ngày 31/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ sung quy hoạch các dự án ĐMT trên mặt hồ thuộc các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum và Đồng Nai, đến nay, tổng số dự án ĐMT đã được phê duyệt bổ sung quy hoạch là 172 dự án với tổng quy mô công suất 19.079 MWp (tương ứng khoảng 15.260 MWac). Trong đó, 43 dự án với tổng công suất 5.000 MWac không được áp dụng cơ chế giá FIT theo Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 06/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ mà sẽ được triển khai thực hiện theo cơ chế đấu thầu/đấu giá phát triển ĐMT hoặc cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện (cơ chế DPPA) được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Có 1 dự án: ĐMT Rừng Xanh (giai đoạn 1), công suất 150 MWp đã hoàn thành thẩm định và đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Ngoài các dự án ĐMT đã được quy hoạch và đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ, còn 351 dự án đang đề xuất với tổng công suất 39.500 MWp. Trong đó, 138 dự án đã hoàn thành công tác thẩm định với tổng công suất 14.316 MWp (tương ứng khoảng 11.452 MWac) và đã được Tập đoàn Điện lực Việt Nam tính toán khả năng giải tỏa công suất.

Cụ thể, khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ gồm các tỉnh Bắc Giang, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và Quảng Ngãi có 26 dự án đã hoàn thành công tác thẩm định với tổng công suất 2.093 MWp. Tỉnh Bắc Giang và Thanh Hóa còn có khả năng giải tỏa các dự án ĐMT đã hoàn thành thẩm định với tổng công suất là 196 MW, tuy nhiên bức xạ ĐMT thấp so với các khu vực khác.

Khu vực các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh còn có khả năng giải tỏa công suất các dự án ĐMT đã hoàn thành thẩm định với tổng công suất khoảng 450 MW.

Khu vực Quảng Bình, Quảng Trị cần đầu tư thêm các công trình lưới điện truyền tải đồng bộ để tăng cường khả năng giải tỏa công suất. Trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế còn khả năng giải tỏa các dự án ĐMT đã hoàn thành thẩm định với tổng công suất khoảng 63 MW. Tỉnh Quảng Ngãi chỉ giải tỏa thêm được khoảng 80 MW nếu không có giải pháp đầu tư xây dựng các công trình lưới điện đồng bộ.

Ảnh minh họa

Khu vực Nam Trung Bộ gồm các tỉnh Bình Định, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Thuận, Ninh Thuận, Lâm Đồng có 65 dự án ĐMT đã hoàn thành công tác thẩm định với tổng công suất 3.302 MWp. Lưới điện khu vực này khó có khả năng hấp thụ thêm nguồn điện năng lượng tái tạo do chỉ tính các dự án đã bổ sung quy hoạch thì lưới điện đã đầy tải, một số phần tử trên lưới điện còn tồn tại quá tải do chưa kịp hoàn thành một số công trình lưới điện đấu nối. Trong trường hợp dự án có quy mô nhỏ đấu nối ở cấp điện áp trung thế hoặc đầu tư thêm các công trình lưới điện truyền tải (220kV, 500kV) đồng bộ với các dự án ĐMT thì có thể xem xét thêm.

Khu vực Tây Nguyên gồm các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum có 32 dự án đã hoàn thành công tác thẩm định với tổng quy mô công suất là 5.089 MWp và còn có khả năng giải tỏa thêm tối đa khoảng 2.126 MW. Tỉnh Gia Lai có khả năng giải tỏa các dự án ĐMT đã hoàn thành thẩm định với tổng công suất khoảng 50 MW, tỉnh Đắk Lắk có khả năng giải tỏa được khoảng 1.668 MW, tỉnh Đắk Nông có khả năng giải tỏa được khoảng 300 MW và tỉnh Kon Tum có khả năng giải tỏa được khoảng 90 MW với điều kiện đầu tư thêm các công trình lưới điện đồng bộ.

Khu vực Đông Nam Bộ gồm các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Dương có 36 dự án đã hoàn thành công tác thẩm định với tổng quy mô công suất 5.586 MWp. Khu vực này còn khả năng giải tỏa thêm khoảng 200 MW trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, khoảng 1.650 MW các dự án trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, khoảng 80 MW trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và khoảng 50 MW trên địa bàn tỉnh Bình Phước trong trường hợp đầu tư thêm các công trình lưới điện truyền tải 110kV, 220kV và 500kV đồng bộ.

Khu vực Tây Nam Bộ gồm các tỉnh Long An, Kiên Giang, Bến Tre, An Giang có 19 dự án ĐMT đã hoàn thành công tác thẩm định với tổng quy mô công suất 1.264 MWp. Trong đó, các tỉnh Long An, An Giang, Kiên Giang còn có khả năng giải tỏa công suất tối đa khoảng 1.112 MW.

Hiện nay, Bộ Công Thương đang tiếp tục hoàn thiện xây dựng cơ chế phát triển ĐMT trong giai đoạn tới. Cùng với đó, Bộ Công Thương định hướng ưu tiên xem xét đối với một số dự án ĐMT tại các khu vực còn có khả năng giải tỏa công suất, hoặc các dự án ĐMT nổi (không ảnh hưởng nhiều đến diện tích chiếm đất), có nhà đầu tư cam kết đầu tư lưới điện truyền tải hoặc đầu tư thêm hệ thống lưu trữ năng lượng (BESS).

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đang nghiên cứu xây dựng cơ chế DPPA là cơ chế cho phép khách hàng sử dụng điện có cam kết hoặc mục tiêu sử dụng năng lượng sạch, phát triển bền vững tiếp cận và mua một lượng điện được sản xuất từ một đơn vị phát điện năng lượng tái tạo. Do đó, có thể xem xét bổ sung quy hoạch một số dự án ĐMT để thực hiện cơ chế DPPA.

Căn cứ kết quả rà soát các dự án ĐMT đã hoàn thành công tác thẩm định và tính toán của EVN về khả năng giải tỏa công suất, Bộ Công Thương cũng báo cáo thêm Thủ tướng Chính phủ danh mục một số dự án ĐMT, phương án đấu nối và dự kiến tiến độ vận hành tại một số vùng/khu vực để làm cơ sở cho quá trình triển khai thực hiện cơ chế đấu thầu/đấu giá phát triển ĐMT hoặc thực hiện cơ chế DPPA. Danh mục đề xuất lần này gồm 54 dự án với tổng quy mô công suất khoảng gần 7.110 MWp (tương ứng khoảng 5.688 MWac), phương án đấu nối và dự kiến tiến độ vận hành.

Nhu cầu đề xuất bổ sung quy hoạch dự án ĐMT của các địa phương còn rất lớn do đó Bộ Công Thương sẽ tiếp tục nghiên cứu, tính toán xác định cơ cấu nguồn ĐMT tại các khu vực trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2045 (Quy hoạch điện VIII) để đảm bảo hiệu quả kinh tế chung cho nền kinh tế.

Cẩm Hạnh