Bộ Nông nghiệp và Môi trường vừa có quyết định số 503/QĐ-BNNMT ngày 27/3/2025 về việc ban hành Kế hoạch của Bộ Nông nghiệp và Môi trường thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Nghị quyết số 193/2025/QH15 ngày 19/2/2025 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Nghị quyết số 03/NQ-CP ngày 9/1/2025 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW.
Theo đó, nhằm đạt được mục tiêu Nghị quyết số 57-NQ/TW, Nghị quyết số 193/2025/QH15 và Nghị quyết số 03/NQ-CP, trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề nghị các cơ quan, đơn vị bổ sung yêu cầu vị trí việc làm đối với lãnh đạo, bảo đảm tối thiểu 25% tổng số lãnh đạo các cơ quan, đơn vị có chuyên môn, kinh nghiệm về KHCN.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường yêu cầu xây dựng chuyên trang thông tin về phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số ngành nông nghiệp - môi trường (https://nghiquyet57.mae.gov.vn); xây dựng và ban hành bộ chỉ số đánh giá định kỳ hàng năm, xếp hạng chuyển đổi số các đơn vị, người đứng đầu và cán bộ, công chức, viên chức. Cần phát triển nền tảng số dùng chung của ngành nông nghiệp - môi trường, kết nối, liên thông với các nền tảng số quốc gia.

Ảnh minh họa
Đồng thời, xây dựng, ban hành Kiến trúc Chính phủ số của Bộ/ngành nông nghiệp và môi trường (phiên bản 4.0); tạo các Danh mục cơ sở dữ liệu dùng chung; Danh mục dữ liệu mở; Danh mục và kế hoạch phát triển dữ liệu lớn thuộc phạm vi quản lý của Bộ.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường cần triển khai Trung tâm giám sát điều hành thông minh, từ đó tăng cường quản lý công, nâng cao hiệu lực quản trị, hiệu quả điều hành; thực hiện chỉ đạo, điều hành của cơ quan, đơn vị trực tuyến, dựa trên dữ liệu; nâng cao tương tác giữa cơ quan quản lý và người dân, doanh nghiệp.
Phát triển loại hình cung cấp dịch vụ công trực tuyến; cấp giấy phép tự động, cung cấp dịch vụ số mới được cá nhân hóa, dựa trên dữ liệu cho người dân và doanh nghiệp; đảm bảo trên 90% thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp được thực hiện trực tuyến, thông suốt, hiệu quả.
Bên cạnh đó, tăng cường đầu tư, hoàn thiện hạ tầng cho KHCN đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Các cơ quan, đơn vị cần xây dựng, phê duyệt Đề án thành lập, tham gia thành lập doanh nghiệp, tham gia góp vốn vào doanh nghiệp của tổ chức KHCN công lập và cơ sở giáo dục đại học công lập. Điều này sẽ cho phép các đơn vị thương mại hóa kết quả nghiên cứu KHCN do tổ chức đó sở hữu hoặc được giao quản lý, sử dụng.
Xây dựng, phê duyệt Đề án tăng cường năng lực của tổ chức KHCN công lập đối với các viện, trường, trung tâm chuyên ngành kỹ thuật; phát triển hệ thống các trung tâm nghiên cứu, thử nghiệm, khảo nghiệm, phòng thí nghiệm.
Mỗi lĩnh vực trọng điểm cần có ít nhất một phòng thử nghiệm đạt yêu cầu công nhận tương đương với các phòng thử nghiệm quốc tế, các nước phát triển để phục vụ công tác hội nhập, xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa.
Đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức và cá nhân đầu tư, xây dựng các phòng thí nghiệm, trung tâm nghiên cứu và phát triển khoa học, công nghệ.
Các đơn vị thuộc công bố danh mục các chương trình, nhiệm vụ, dự án về hợp tác công - tư (PPP) trong phát triển các hạ tầng số; đề xuất chính sách ưu tiên cho các mô hình PPP trong xây dựng hạ tầng số nông nghiệp và môi trường.
Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Môi trường yêu cầu các đơn vị có chương trình, kế hoạch và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ lao động nâng cao tay nghề. Tham gia xây dựng cơ chế đặc biệt nhằm thu hút, trọng dụng, giữ chân các nhà khoa học đầu ngành, các chuyên gia, các “tổng công trình sư” trong và ngoài nước có khả năng xây dựng, tổ chức, triển khai các nhiệm vụ trọng tâm quốc gia và của Bộ.
Nghiên cứu, đề xuất cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ đào tạo nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực khoa học cơ bản, kỹ thuật then chốt và công nghệ chiến lược đáp ứng yêu cầu phát triển của Bộ, ngành. Xây dựng nhóm nghiên cứu uy tín trong lĩnh vực nông nghiệp - môi trường có sự tham gia của các nhà khoa học đầu ngành trong nước và nước ngoài.
Ngoài ra, rà soát, đề xuất chính sách ưu đãi, khuyến khích các doanh nghiệp, ưu tiên đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ kinh doanh đầu tư cho chuyển đổi số, nghiên cứu, ứng dụng khoa học, đổi mới công nghệ để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, quản trị doanh nghiệp.