Tiết kiệm điện năng

Khuyến nghị khách hàng tiết kiệm điện trong mùa nắng nóng 2022

Thứ ba, 29/3/2022 | 08:53 GMT+7
Tổng công ty Điện lực TPHCM (EVNHCMC) khuyến nghị khách hàng thực hiện một số biện pháp để đẩy mạnh tiết kiệm điện trong mùa nắng nóng 2022.

Thông tin từ Tổng công ty Điện lực TPHCM cho biết, dự báo sản lượng điện mùa nóng năm 2022 (tháng 3, 4, 5) sẽ tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2021. Theo dõi số liệu sản lượng điện tiêu thụ tại TPHCM cho thấy: sản lượng tiêu thụ điện bình quân trong 10 ngày đầu tháng 3/2022 là 80,83 triệu kWh/ngày, nhiều hơn 6,18% so với sản lượng bình quân 10 ngày tháng 3/2021 (76,12 triệu kWh/ngày) và cao hơn 19,23% so với sản lượng bình quân ngày trong tháng 2/2022 (67,79 triệu kWh/ngày).

Dự báo sản lượng điện bình quân ngày của cả tháng 3/2022 đạt 80,42 triệu kWh/ngày, tăng so với tháng 2/2022 là 24,46%. Dự báo sản lượng điện nhận bình quân ngày của tháng 4, 5/2022 tiếp tục tăng cao đạt từ 81,22 đến 84,35 triệu kWh/ngày.

Theo đại diện EVNHCMC, nguyên nhân chính dẫn đến việc tiêu thụ điện tăng cao trong mùa nắng nóng là do khách hàng sử dụng nhiều thiết bị làm mát, trong đó máy lạnh là một trong những thiết bị hao tốn điện năng nhất và chiếm tỉ trọng tiêu thụ điện lớn trong hộ gia đình. Tiêu thụ điện của máy lạnh chiếm từ 28 - 64%, có khi đến 80% chi phí điện của cả gia đình.

Thời tiết nắng nóng nên người dân sử dụng các thiết bị làm mát nhiều hơn. Bản thân các thiết bị làm mát cũng phải hoạt động nhiều hơn khi có sự chênh lệch lớn giữa nhiệt độ ngoài trời và nhiệt độ làm mát trong phòng. Khi nhiệt độ ngoài trời tăng thêm 1 độ C thì lượng điện tiêu thụ của máy lạnh tăng từ 2 - 3%, nhiệt độ tăng khoảng 5 độ C thì điện năng tiêu thụ tăng khoảng 10%. Do đó, dù thời gian sử dụng máy lạnh không thay đổi nhưng khi nhiệt độ môi trường tăng và nhiệt độ trong phòng vẫn đặt ở mức không thay đổi thì lượng điện tiêu thụ của máy lạnh vẫn tăng lên rất nhiều.

Bên cạnh đó, do biểu giá điện sinh hoạt hiện hành là giá bậc thang nên tỷ lệ tăng về tiền điện sẽ lớn hơn tỷ lệ tăng về lượng điện tiêu thụ. Ví dụ cụ thể, nều lượng điện tiêu thụ tăng từ 200 kWh/tháng lên 400 kWh/tháng (tăng 100% về lượng điện) thì tiền điện từ 401.760 đồng sẽ tăng lên 981.720 đồng, tức tăng 144,35% về tiền. Nếu lượng điện tiêu thụ tăng từ 300 kWh/tháng lên 500 kWh/tháng (tăng 60% về lượng điện) thì tiền điện sẽ từ 675,648 đồng tăng lên 1,297,836 đồng, tức tăng 92,09% về tiền.

Nhân viên điện lực hướng dẫn khách hàng theo dõi sản lượng điện sử dụng hàng ngày trên app CSKH EVNHCMC để có giải pháp sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả

Do vậy, để có thể chủ động kiểm soát và giảm chi phí trả tiền điện, EVNHCMC khuyến nghị khách hàng thường xuyên theo dõi sản lượng điện sử dụng hàng ngày qua app EVNHCMC CSKH. Đồng thời, khách hàng cần thực hiện các giải pháp như: sử dụng điện theo nguyên tắc 4 đúng - đúng lúc, đúng chỗ, đúng cách, đúng yêu cầu; khi mua thiết bị điện, nhất là những thiết bị có công suất tiêu thụ lớn, khách hàng nên mua những sản phẩm có dán nhãn tiết kiệm năng lượng; cần kiểm tra lại đường dây và thiết bị bảo vệ điện trong nhà, công ty để chống thất thoát, tổn hao điện cũng như bảo đảm an toàn cháy nổ.

Để chung tay thực hành tiết kiệm điện, Tổng công ty Điện lực TPHCM cũng đề nghị các doanh nghiệp sản xuất cần cân đối bố trí lịch sản xuất theo hướng tiết giảm sử dụng điện trong giờ cao điểm, tăng cường sử dụng điện trong giờ thấp điểm, phối hợp với ngành điện theo dõi, kiểm soát chất lượng điện năng.

Thanh Trúc (t/h)