Văn hóa, du lịch

Kích cầu du lịch vùng đồng bằng sông Cửu Long

Thứ ba, 14/6/2022 | 15:00 GMT+7
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được đánh giá là vùng có nhiều tiềm năng phát triển du lịch nhờ có nguồn tài nguyên đa dạng, đặc thù và phong cảnh thiên nhiên địa phương đặc sắc.

Vùng ĐBSCL không chỉ nổi tiếng là vựa lúa, vựa cá, vựa trái cây của cả nước, mà còn là một trong bảy vùng trọng điểm về du lịch Việt Nam, trong đó có 5 khu du lịch và 7 điểm du lịch quốc gia.

Vùng còn rất nhiều dư địa để phát triển du lịch, như nằm liền kề với TPHCM và Đông Nam Bộ; phía Bắc giáp Campuchia, phía Tây Nam là vịnh Thái Lan, phía Đông Nam là biển Đông, có địa chính trị, địa kinh tế và địa quân sự hết sức trọng yếu đối với cả nước… Với địa thế đó, vùng có những nét văn hóa hết sức đặc thù và có nền văn minh sông nước độc đáo, như giao thông chủ yếu sử dụng ghe, thuyền; các điểm quần cư nông thôn gắn liền với hệ thống kênh rạch, sống chung với lũ và phương thức khai thác các sản vật mùa khô và mùa nước nổi...

Hơn nữa, ĐBSCL còn là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, cách mạng, hào hùng và vẻ vang của dân tộc Việt Nam; là địa bàn sinh sống, gắn bó đoàn kết lâu đời của cộng đồng các dân tộc Việt, Khmer, Hoa, Chăm...

Mới đây, tỉnh Bạc Liêu cùng Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật 13 tỉnh, thành ĐBSCL đã tổ chức hội thảo khoa học “Giải pháp kích cầu du lịch vùng ĐBSCL thời Covid-19”. Tại hội thảo, các đại biểu cùng tập trung bàn luận về khai thác và phát triển du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp công nghệ cao cho vùng.

Trong đó, ông Lê Minh Tùng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật tỉnh An Giang cho biết, các địa phương có sản xuất nông nghiệp đều có thể xây dựng những sản phẩm du lịch sinh thái nông nghiệp khác nhau và cần làm ra những sản phẩm đặc thù của mình để thu hút khách du lịch. Hiện các vùng sản xuất sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, nông sản sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao kết hợp với du lịch đang là hướng đi bền vững được nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân áp dụng nhằm gia tăng lợi ích kinh tế.

Phát triển du lịch vùng ĐBSCL với nhiều sản phẩm du lịch gắn với nông nghiệp, hệ sinh thái tự nhiên

Theo Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Bạc Liêu Nguyễn Xuân Khoa, du lịch sinh thái cộng đồng đang trở thành hướng đi mới của nhiều vùng nông thôn, đem lại hiệu quả kinh tế tích cực, góp phần nâng cao đời sống của người dân, giúp nhiều vùng nông thôn được “thay áo mới”, rút ngắn khoảng cách với thành thị. Khi kết hợp sản xuất với hoạt động tham quan, du lịch, trải nghiệm, chủ các nhà vườn có thể tăng lợi nhuận lên gấp 2 - 3 lần so với chỉ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Tại Cà Mau, du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng là loại hình du lịch chủ đạo, tạo đột phá cho du lịch tỉnh. Hệ sinh thái rừng tràm U Minh hạ, hệ sinh thái rừng đước Mũi Cà Mau, cùng những nét văn hóa độc đáo của các dân tộc nơi đây đã tạo nên sự phong phú, đa dạng về bản sắc văn hóa nhân văn của tỉnh. Cà Mau có hai vườn quốc gia là Mũi Cà Mau với diện tích tự nhiên 42.000ha và U Minh hạ với 8.286ha đã và đang thực hiện quy hoạch, đầu tư và kêu gọi đầu tư phát triển du lịch sinh thái xứng tầm với những gì thiên nhiên đã ban tặng.

Với những lợi thế nêu trên của mỗi địa phương, Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật tỉnh An Giang Lê Minh Tùng đề nghị, phát huy thế mạnh của ĐBSCL về du lịch sinh thái nông nghiệp cần tiếp tục khai thác hiệu quả tài nguyên nông nghiệp kết hợp với tài nguyên văn hóa, lịch sử và điều kiện tự nhiên; xác định hướng đi chủ đạo là phát triển du lịch sinh thái nông nghiệp trên nền tảng nông nghiệp sạch, hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp đô thị nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách...

Đồng thời, tại các điểm, khu vực tổ chức du lịch sinh thái nông nghiệp, các địa phương cần hướng dẫn nông dân tổ chức sản xuất phù hợp, quản lý sản xuất theo chuỗi giá trị, liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp và doanh nghiệp lữ hành trong quá trình hoạt động; thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, nông nghiệp đô thị gắn với du lịch sinh thái…

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL Trần Việt Phường nhấn mạnh, xu hướng liên kết trong phát triển du lịch là xu hướng sống còn của ngành du lịch hiện nay. Trước mắt, các nội dung cần quan tâm trong công tác liên kết, hợp tác gồm: lĩnh vực thông tin về tình hình phát triển du lịch; xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch; quảng bá, xúc tiến du lịch; phát triển nguồn nhân lực du lịch; phục hồi, phát triển du lịch trong trạng thái bình thường mới…

Minh Khang (T/H)