Dự án đường dây 220kV Tân Sơn Nhất – Thuận An được Thủ tướng giao EVNNPT làm chủ đầu tư (tại Quyết định số 888/QĐ-TTg ngày 9/5/2025), Ban quản lý dự án các công trình điện miền Nam (SPMB) thay mặt chủ đầu tư quản lý điều hành dự án. Dự án thuộc địa bàn các xã, phường của TPHCM.

Lãnh đạo Văn phòng Ban chỉ đạo nhà nước các chương trình, công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành năng lượng cùng lãnh đạo EVNNPT kiểm tra thực địa và nghe báo cáo tình hình thực hiện dự án
Dự án có quy mô: xây dựng đường dây 220kV gồm đoạn 2 mạch cáp ngầm với chiều dài tuyến 7,8 km và đường dây trên không với chiều dài tuyến 5,4 km. Tại trạm biến áp 220kV Tân Sơn Nhất (xây dựng mới) 2 ngăn lộ 220kV đi trạm biến áp 220kV Thuận An sẽ được đầu tư đồng bộ thuộc phạm vi dự án “trạm biến áp 220kV Tân Sơn Nhất” do Tổng công ty Điện lực thành phố Hồ Chí Minh làm chủ đầu tư và đang được triển khai thi công xây dựng.
Tại trạm biến áp 220kV Thuận An (hiện hữu) mở rộng và trang bị xây dựng mới 2 ngăn lộ 220kV đi trạm biến áp 220kV Tân Sơn Nhất. Trang bị mới và hoàn thiện cho hệ thống điều khiển, đo lường bảo vệ, thông tin liên lạc và SCADA cho các ngăn xuất tuyến mới trong quá trình thực hiện dự án theo đúng quy phạm, quy định hiện hành.
Dự án sau khi hoàn thành sẽ tạo đường dây 220kV liên kết lưới điện giữa các vùng của TPHCM, góp phần tăng hiệu quả đầu tư lưới điện và hỗ trợ công suất qua lại giữa các khu vực; đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục trong các chế độ vận hành cho trung tâm phụ tải TPHCM, đặc biệt là trạm biến áp 220kV Tân Sơn Nhất cung cấp điện cho sân bay Tân Sơn Nhất; giảm tải cho các đường dây 220kV Cầu Bông - Hóc Môn, 220kV Thủ Đức – Cát Lái, 220kV Thủ Đức – Nhơn Trạch; tăng cường liên kết hệ thống điện 220kV trong khu vực, tăng cường độ an toàn, linh hoạt trong vận hành và ổn định cho hệ thống điện quốc gia.
Tại buổi kiểm tra thực địa dự án, lãnh đạo Văn phòng Ban chỉ đạo nhà nước các chương trình, công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành năng lượng, lãnh đạo EVNNPT cùng đoàn công tác đã rà soát, kiểm tra tim mốc, các vị trí thuộc khu vực thi công cáp ngầm và kịp thời chỉ đạo đơn vị tư vấn thiết kế cùng các bên liên quan xử lý, khắc phục ngay vướng mắc tại những địa điểm, vị trí tiềm ẩn nguy cơ chậm tiến độ dự án trong quá trình triển khai.
Mặt khác, để bảo đảm hoàn thành dự án theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo đã chỉ đạo, yêu cầu SPMB phối hợp với chính quyền địa phương, các bên liên quan đẩy nhanh thủ tục vận động, bàn giao, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho các hộ dân ảnh hưởng nhằm bàn giao sớm mặt bằng cho nhà thầu để triển khai thi công, đáp ứng tiến độ hoàn thành dự án theo chỉ đạo của Thủ tướng.
Lãnh đạo EVNNPT cũng yêu cầu đơn vị tư vấn rà soát tim mốc trên thực địa, thường xuyên bám sát hiện trường để giải quyết ngay những vướng mắc phát sinh, không ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án.

Mặt bằng tuyến dự án đường dây 220kV Tân Sơn Nhất – Thuận An được lập trước thời điểm sáp nhập, sắp xếp đơn vị hành chính
Tại buổi kiểm tra, SPMB cũng kiến nghị Ban chỉ đạo nhà nước các chương trình, công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành năng lượng có ý kiến với UBND TPHCM sớm triển khai công bố thông báo thu đất đến người dân và tiến hành công tác kiểm đếm hoàn thành trong tháng 7/2025. Sở Nông nghiệp và Môi trường tạo điều kiện thuận lợi cho EVNNPT và SPMB hoàn thành công tác đo đạc bản đồ địa chính của các dự án. Tạo điều kiện thuận lợi và rút ngắn thời gian thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, phối hợp với SPMB vận động các hộ dân bàn giao mặt bằng thi công dự án trong tháng 7/2025 để kịp thời triển khai thi công.
Ông Hoàng Trọng Hiếu, Phó Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo nhà nước các chương trình, công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành năng lượng cho biết, đây là dự án trọng điểm, cấp bách nhằm đảm bảo cung cấp điện ổn định cho sân bay Tân Sơn Nhất cũng như cung cấp điện cho TPHCM. Chính vì vậy, Ban chỉ đạo sẽ có ý kiến tới các cơ quan chức năng của TPHCM nhằm sớm bàn giao mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ thi công dự án.