Kinh doanh cần lương tâm

Thứ sáu, 25/10/2019 | 10:19 GMT+7
Hơn nửa tháng nay, hàng vạn người dân phía Tây Hà Nội thuộc các quận Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Hoàng Mai, Cầu Giấy, Hà Đông, huyện Hoài Đức (Hà Nội) đảo lộn sinh hoạt vì nước sạch ô nhiễm, bốc mùi hóa chất.

Trong khi đó, Công ty Cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà - đơn vị cung cấp nước cho người dân lại lung túng trong việc xử lý và đặc biệt thể hiện cách ứng xử “kém” với khách hàng - những người được cọi là thượng đế.

Câu chuyện này khiến nhiều người liên tưởng đến thành ngữ “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”. Những người vô trách nhiệm, chỉ biết hưởng lợi, không quan tâm người dân khốn khó ra sao, như lang băm chỉ chăm chăm móc túi người bệnh, mặc người bệnh dùng thuốc của mình sống chết ra sao. 

Trở lại với câu chuyện nước sạch sông Đà, khi phát hiện ra sự việc nguồn nước bị đổ trộm dầu nhưng công ty vẫn cho vận hành hệ thống, không báo cáo kịp thời về UBND thành phố Hà Nội, không cảnh báo người dân… dẫn đến nguồn nước bị ô nhiễm khiến hàng vạn người dân phải khổ sổ vì phải sử dụng nguồn nước có hàm lượng chất ô nhiễm cao và bị thiếu nước sinh hoạt trong thời gian dài. Điều này thể hiện sự vô cảm, thiếu đạo đức kinh doanh.

Nguồn nước bị nhiễm dầu nhưng Viwasupco vẫn cung cấp cho người dân sử dụng. (Ảnh: internet)

Tuy nhiên, đến khi nói về trách nhiệm và sai sót của họ, những người lãnh đạo công ty tỏ ra rất thiếu hiểu biết pháp luật cũng như vô cảm. Ông Nguyễn Văn Tốn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần kinh doanh nước sạch sông Đà (Viwasupco) nói rằng, trong thâm tâm, 80% là tôi muốn dừng việc cấp nước lại vì chất lượng nước có thể có vấn đề. Thế rồi ông ta vẫn đưa ra quyết định tiếp tục cấp nước cho người dân sử dụng và ngụy biện rằng đó là hành động "có trách nhiệm với người dân".

Còn ông Nguyễn Đăng Khoa - Phó Giám đốc Viwasupco trả lời trên báo chí vào thời điểm xảy ra sự cố từ chối trách nhiệm vì vụ việc đang được cơ quan công an tiến hành điều tra. Đồng thời từ chối thay mặt công ty này gửi lời xin lỗi đến người dân bị ảnh hưởng bởi sự cố vì cho rằng mình là đơn vị thiệt hại nhất.

Ở nhiều quốc gia hiện nay, trong đó có nhiều nước mà kinh tế thị trường phát triển, nơi hầu hết các lĩnh vực kinh tế đều đã được tư nhân hóa thì nước sạch là một nhu cầu thiết yếu, liên quan trực tiếp đến sức khỏe của người dân mà nhà nước phải đảm bảo ở mức cao nhất. Tuy nhiên dường như tại Việt Nam, doanh nghiệp cung cấp nước coi đây là một mặt hàng kinh doanh, đặt lợi nhuận lên hàng đầu, thiếu đạo đức.

Và sau gần 20 ngày xảy ra sự cố, đến hôm nay 25/10 công ty mới ra một thông cáo báo chí nhận lỗi và xin lỗi người dân, bồi thường thiệt hại cho người dân bằng 1 tháng miễn phí sử dụng nước sinh hoạt.

Cộng đồng dân cư cho rằng, với sự việc này, đơn vị kinh doanh nước đầu tiên phải xin lỗi người dân và vào cuộc ngay với chính quyền để tìm nguyên nhân. Đó chính là ý thức của doanh nghiêp. Nhưng qua sự việc này, ý thức đó rất thiếu và cực kỳ kém.

Nhiều chuyên gia trong ngành nước cho rằng, đối với ngành nước việc cổ phần hóa là chính đáng nhằm huy động các nguồn lực cho sự phát triển. Tuy nhiên cổ phần hóa có thể khiến doanh nghiệp chỉ chú trọng tới lợi nhuận, cắt giảm các chi phí khiến chất lượng nước không đảm bảo. Nhiều ý kiến đề nghị trong hoạt động phục vụ công ích cần phải giữ vai trò chi phối của nhà nước, lấy mục tiêu phục vụ người dân là chính, chú trọng hàng đầu đến chất lượng.

 

Linh Giang