Hà Nội rà soát các nhà máy nhằm giảm lượng thất thoát nước

Thứ tư, 11/9/2019 | 11:00 GMT+7
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, TP đang rà soát lại toàn bộ quá trình thực hiện dự án nước sạch của các công ty đang triển khai trên địa bàn thành phố, tính toán để giảm lượng thất thoát nước, tiết kiệm chi phí.

Phát biểu tại Phiên họp giải trình về việc cung cấp nước sạch cho nhân dân do Thường trực HĐND TP Hà Nội tổ chức mới đây, ông Nguyễn Đức Chung cho biết, TP thực hiện kêu gọi công khai các nhà đầu tư vào các dự án, hiện có 39 dự án, trong đó, 11 dự án cấp nước nguồn và 28 dự án cấp nước mạng vùng nông thôn. TP đã thay đổi cách kêu gọi đầu tư, trong đó, có việc kêu gọi các nhà máy lân cận cung cấp cho Hà Nội nếu thừa công suất như Thái Nguyên, Hà Nam, Vĩnh Phúc,… đây là cách tiếp cận mới, giảm chi phí. Ngoài ra, thành phố cũng yêu cầu các nhà đầu tư mở rộng công suất các nhà máy hiện có và đã thực hiện ở Nhà máy nước Vân Trì-Bắc Thăng Long, Nhà máy nước mặt Sông Đà, Trạm cấp nước Dương Nội, Nhà máy nước mặt sông Hồng tại Đan Phượng,…

Ngoài mô hình xây dựng các trạm cấp nước tập trung TP cũng đã cho các nhà đầu tư nước ngoài khảo sát, đưa công nghệ lọc theo trạm. Hiện đã có Trạm cấp nước Dương Nội áp dụng công nghệ lọc nước của Đức, đảm bảo chất lượng nước uống được tại vòi, giúp giảm diện tích xây dựng nhà máy.

Hà Nội tính toán giảm lượng thất thoát nước sạch. (Ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, TP đang rà soát lại toàn bộ quá trình thực hiện dự án nước sạch của các công ty đang triển khai trên địa bàn thành phố, tính toán để giảm lượng thất thoát nước, tiết kiệm chi phí.

Liên quan đến kết nối nguồn vốn, thành phố đã chỉ đạo Quỹ Đầu tư phát triển kết nối với các ngân hàng để đồng hành với chủ đầu tư, tạo mọi điều kiện thuận lợi để triển khai đúng tiến độ dự án. Thành phố cũng tổ chức thường xuyên gặp gỡ các nhà đầu tư để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, với mục tiêu là đẩy nhanh tiến độ cấp nước sạch cho nhân dân.

Chủ tịch UBND TP cho biết, Hà Nội sẽ rà soát toàn bộ giếng khoan ô nhiễm, đóng sớm hơn lộ trình với các giếng khoan nhiễm thạch tín, asen; với 300.000 giếng khoan ở khu vực ở nông thôn, TP sẽ đề xuất cơ chế hỗ trợ người dân đóng lại các giếng này, không để thẩm thấu ô nhiễm tới mạch nước ngầm; xây dựng đơn giá cấp nước cho người dân; đối thoại giải quyết khúc mắc cho các DN cấp nước; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư; trợ giá cho người dân nông thôn; lắp trạm cấp nước ở vùng sâu vùng xa...

Trước thông tin giá nước mặt sông Đà chỉ 5.000/m3 mà nước mặt sông Đuống cao hơn, theo Chủ tịch UBND TP tiêu chuẩn chất lượng nước mặt sông Đuống đang cao nhất hiện nay. Một số nhà máy nước sẽ phải đầu tư bổ sung công nghệ mới, thay thế đường ống đảm bảo chất lượng. Giá nước sẽ được điều chỉnh để đảm bảo hài hòa lợi ích nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Và để tăng được tỷ lệ người dân dùng nước sạch, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho rằng phải có sự đồng thuận cao của người dân.

Bảo An