Năng lượng gió

Kinh nghiệm phát triển điện gió ngoài khơi từ Na Uy

Thứ năm, 7/7/2022 | 09:56 GMT+7
Chính phủ cùng các công ty của Na Uy có nhiều kinh nghiệm phát triển trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi để chia sẻ kiến thức về chính sách, công nghệ, bài học điển hình đã triển khai thành công và hỗ trợ tìm kiếm mô hình phát triển phù hợp nhất với điều kiện của Việt Nam.

Ngày 6/7, hội thảo “Kinh nghiệm phát triển điện gió ngoài khơi” diễn ra tại Hà Nội. Hội thảo do Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) tổ chức.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An khẳng định, từ năm 2015, Chính phủ Việt Nam đã có chiến lược phát triển xanh hóa với biện pháp tăng cường nhiều hơn nữa điện năng lượng tái tạo. Cụ thể, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2068/QĐ-TTg ngày 25/11/2015 phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Chiến lược năng lượng tái tạo) nêu rõ mục tiêu: tăng tỷ lệ điện năng sản xuất từ năng lượng tái tạo trong tổng điện năng sản xuất toàn quốc tăng từ khoảng 35% vào năm 2015 tăng lên khoảng 38% vào năm 2020; đạt khoảng 32% vào năm 2030 và khoảng 43% vào năm 2050. Đồng thời, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế khuyến khích phát triển điện gió, điện sinh khối, điện từ chất thải rắn và điện mặt trời.

Kết quả là đến cuối năm 2021, tổng công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo (chưa tính thủy điện) đạt 27% tổng công suất toàn hệ thống.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An phát biểu tại hội thảo

Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Thủ tướng Chính phủ Việt Nam tuyên bố mục tiêu tham vọng Việt Nam cam kết sẽ giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Để thực hiện mục tiêu này Chính phủ đã thành lập Ban chỉ đạo Quốc gia do Thủ tướng làm Trưởng ban và thủ trưởng các Bộ, ngành.

Thứ trưởng nêu rõ, Bộ Công Thương là đơn vị đảm trách chủ chốt thực hiện mục tiêu phát triển năng lượng đến năm 2030, đó là chuyển đổi ngành năng lượng. Theo đó, Bộ Công Thương đang chủ trì hai quy hoạch quốc gia quan trọng đó là Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2045 (Quy hoạch Điện VIII) và Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. 

“Nội dung căn bản của hai quy hoạch này sẽ không phát triển thêm các nhà máy điện than mới sau năm 2030 và xem xét chuyển đổi các nhà máy điện than sang các nguyên liệu sạch hơn, đồng thời phát triển điện khí ở quy mô phù hợp, đáp ứng nguồn cung”, Thứ trưởng Đặng Hoàng An nhấn mạnh.

Trong thời gian tới, Chính phủ Việt Nam tiếp tục theo đuổi mục tiêu ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo với các chính sách như: mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn, cơ chế đấu thầu chọn nhà đầu tư dự án nguồn điện.

Riêng với điện gió ngoài khơi, đây là loại hình điện năng lượng tái tạo mà Việt Nam có tiềm năng khai thác lớn do có vùng biển rộng lớn, do số giờ vận hành trong năm cao... Theo dự thảo Quy hoạch điện VIII đang được Bộ Công Thương rà soát, hoàn thiện, dự kiến nâng tổng công suất điện gió từ khoảng trên gần 4.000 MW năm 2022 lên đến khoảng 16.121 MW điện gió trên bờ và gần bờ và khoảng 7.000 MW điện gió ngoài khơi vào năm 2030. Đến 2045, tổng công suất điện gió khoảng 122,45 GW, trong đó điện gió ngoài khơi là 66,5 GW.

Tuy nhiên, loại hình nguồn điện gió ngoài khơi chưa có kinh nghiệm phát triển ở Việt Nam do tính chất phức tạp về kỹ thuật và công nghệ, quy trình và thủ tục đầu tư, quy mô đầu tư lớn dẫn đến việc hiện thực hóa lượng công suất quy hoạch lên tới 7.000 MW vào năm 2030 thực sự là một thách thức lớn.

Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm phát triển điện gió ngoài khơi từ các đối tác Na Uy

Theo ông Đặng Hoàng An, thời gian qua, Việt Nam đã nhận được hỗ trợ của nhiều tổ chức quốc tế, chính phủ các nước, trong đó có Chính phủ Na Uy về chia sẻ kinh nghiệm, tìm hiểu, nghiên cứu xây dựng cơ chế khuyến khích phù hợp nhằm khai thác nguồn tiềm năng thiên nhiên này cũng như thúc đẩy chuỗi cung ứng sản phẩm dịch vụ góp phần gia tăng việc làm, từng bước tăng năng lực sản xuất trong nước và gia tăng tỷ trọng nội địa hóa trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi.

Thứ trưởng mong muốn, trong thời gian tới tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của Chính phủ và các doanh nghiệp của Na Uy trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và đặc biệt là điện gió ngoài khơi, lĩnh vực mà Chính phủ và các công ty của Na Uy nói chung, Công ty Equinor nói riêng đã có nhiều kinh nghiệm phát triển nhằm tìm kiếm mô hình phát triển phù hợp nhất với điều kiện của Việt Nam.

Chia sẻ tại hội thảo, Đại sứ Na Uy tại Việt Nam Grete Lochen cho biết: Na Uy có nhiều kinh nghiệm trong lắp đặt các công trình dầu khí ngoài khơi. Tất cả những kinh nghiệm và công nghệ này có thể được ứng dụng hiệu quả trong ngành điện gió ngoài khơi hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam.

Đại sứ cho rằng, việc Equinor - công ty năng lượng lớn nhất Na Uy chính thức khai trương văn phòng đại diện tại Hà Nội mới đây cũng là một thành tựu lớn vì đây là công ty năng lượng lớn nhất Na Uy, cam kết phát triển các dự án điện gió ngoài khơi ở Việt Nam; nâng cao năng lực và trình độ chuyên môn trong nước; xây dựng một chuỗi cung ứng mạnh mẽ trong nước của ngành điện gió ngoài khơi; tạo thêm nhiều việc làm có kỹ năng trong nước; sản xuất điện với chi phí thấp hơn...

Trong khuôn khổ hội thảo, đại diện từ Công ty Equinor cũng chia sẻ những kinh nghiệm mà công ty đã và đang thực hiện các dự án điện gió ngoài khơi tại Na Uy cũng như các quốc gia khác.

Cẩm Hạnh