Trong nước

Kinh tế Việt Nam có thể nhanh chóng khởi sắc trở lại

Thứ ba, 5/5/2020 | 16:26 GMT+7
Các hoạt động kinh tế suy giảm đáng kể do tác động trực tiếp từ suy giảm kinh tế thế giới, tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong tháng 4 của Việt Nam vẫn tiếp tục tăng trưởng, tín dụng trong nước cũng đảo chiều tăng lên.

Do ảnh hưởng từ tình hình kinh tế thế giới, trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 4, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính tăng 4,7% so với tốc độ tăng trưởng 6,5% ở cùng kỳ năm 2019. Kim ngạch xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài chỉ tăng 1,5% so với 4,4% trong cùng kỳ năm trước.

Trong 4 tháng đầu năm 2020, cam kết vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 12,3 tỷ USD, giảm 15,5% so cùng kỳ năm trước. Điều đáng ngạc nhiên là giá trị vốn FDI cam kết quay đầu bật lại trong tháng 4, tăng 81% so với tháng 3/2020 và 62% so với tháng 4/2019.

Tăng trưởng tín dụng đảo chiều tăng lên trong tháng 3 sau khi chững lại trong 2 tháng đầu năm 2020. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho biết, tăng trưởng tín dụng cuối tháng 3 là 1,3% so với đầu năm, tương đương mức tăng khoảng 11% so cùng kỳ năm trước. Trước đó, NHNN đã thực hiện gói các biện pháp hỗ trợ từ đầu tháng 3 nhằm cho phép các ngân hàng tái cơ cấu vốn vay và giảm lãi suất cho người vay. NHNN cũng cân nhắc hỗ trợ tăng thanh khoản cho một số ngân hàng thương mại thông qua việc nâng hạn mức tín dụng, cho phép những ngân hàng này tăng các khoản vay cho các doanh nghiệp đang gặp khó khăn về tài chính.

Nền kinh tế Việt Nam được kỳ vọng khởi sắc trong thời gian tới

Nhằm vực dậy nền kinh tế, giảm thu và tăng chi được dự báo là xu hướng cho những tháng còn lại trong năm. Theo Bộ Tài chính, việc thu ngân sách trong quý đầu năm 2020 chỉ tăng 1,8% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này phản ánh hiệu quả thu tốt hơn trong 2 tháng đầu trước khi hoạt động kinh tế bị chững lại và kết quả thực hiện giãn nộp thuế có hiệu lực đầy đủ trong tháng 4. Trong quý I, tổng chi tăng 8,7% (so cùng kỳ năm trước), cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 5% trong giai đoạn này. Mức tăng này được lý giải là do Chính phủ mong muốn đẩy mạnh triển khai các dự án hạ tầng quan trọng.

Tổ chức Fitch Ratings (Mỹ) đã điều chỉnh triển vọng của Việt Nam từ mức “Tích cực” sang mức “Ổn định” và giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam ở mức BB. Điều chỉnh này cho thấy tác động nhất định từ nền kinh tế chung với nền kinh tế Việt Nam trong các lĩnh vực xuất khẩu và du lịch, cũng như sức cầu trong nước yếu đi.

Tuy nhiên, xếp hạng của Fitch cũng khẳng định viễn cảnh tăng trưởng mạnh mẽ trong trung hạn của Việt Nam dựa trên nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, mức nợ Chính phủ thấp và khu vực kinh tế đối ngoại có khả năng chống chịu, bao gồm cả dự trữ ngoại hối ở mức khá lớn.

Khánh An