Chiếc xe bus chở chúng tôi từ sân bay quốc tế về Santiago chạy dọc một con sông tuy nhỏ nhưng chảy xiết. Hai bên bờ sông kè đá. Anh Quang, Trợ lý Tham tán Thương mại Chile giải thích cho tôi rằng đó là sông Mapocho.
Đây đó trên đường, những con suối nhỏ dẫn nước từ rặng Andes về sông Mapocho. Giờ đang là mùa xuân nên băng tan trên rặng Andes, khiến nước suối chảy xiết, tung bọt trắng xóa.
Đường kè dọc sông Mapocho còn là đại bản doanh của những vận động viên chạy đường dài, nghiệp dư hay chuyên nghiệp, các ông bà già hoặc các cặp vợ chồng dắt theo con cái, cả những đứa trẻ còn nằm trong xe đẩy... Vào những ngày nắng đẹp, từng cặp đôi nam thanh nữ tú nằm trên thảm cỏ, dưới bóng các cây Platane cổ thụ râm mát trên đại lộ lớn chạy dài theo bờ sông.
![](/userfile/User/dohuong/images/2024/12/10/ruou-2-20241211151503997.JPG)
Một con phố ở Santiago de Chile
Chúng tôi tới khách sạn Radisson vào khoảng 2 giờ chiều. Sau khi tắm rửa, nghỉ ngơi, tôi nổi hứng, muốn đi dạo phố.
Kiến trúc của thành phố Santiago tuyệt đẹp với các ngôi biệt thự 2 - 3 tầng ẩn mình sau cây lá. Tôi im lặng đi dọc phố, hít căng phổi không khí núi trong lành và ngây ngất ngắm sương chiều bảng lảng trên những đỉnh núi cao. Quanh tôi, cây lá xào xạc, chim ríu rít gọi nhau về tổ.
Chiều trên núi Andes đẹp lắm. Mặt trời đỏ ối khuất dần sau núi San Cristoban, để lại một khoảng viền tím và những ráng đỏ trên những đỉnh núi tuyết phủ trắng xóa xa xa. Tượng Đức mẹ đồng trinh là một khối đá trắng trên đỉnh núi San Cristoban nổi bật trên nền trời xanh đang chuyển sang tím sẫm.
Ở trong thung lũng núi cao bốn bề vây bọc này, tôi tự hỏi không hiểu sao từ thời cổ xưa, con người đã thích vươn tới các đỉnh cao và tụt xuống tận cùng vực thẳm nhằm thỏa mãn trí tò mò. Nếu như ở Việt Nam có truyện Sơn Tinh - Thủy Tinh để rồi từ đó núi Tản Viên được coi là một trong những ngọn núi thiêng của nước Việt thì ở Nhật Bản có núi Osare, Miwa, Ontake, Koya và Fuji. Trung Quốc có núi O-mei-chan, Wou-t’ai-chan, Ye-ki-chan, T’ai-chan và nhất là đỉnh Kouen-louen. Thổ Nhĩ Kỳ có núi Ararat, vẫn được coi là nơi con thuyền của Noah mắc cạn trong nạn Đại hồng thủy. Ở Nga có dãy Caucase, tương truyền là nơi thần Prometheus bị Zeus xiềng để chịu các hình phạt như diều mổ mắt, moi gan, thú dữ cắn xé…
Núi có khía cạnh đen tối, tiêu cực, kinh khủng: lở đất, núi lửa, đá rơi, cảm giác choáng ngợp khi lên cao. Núi cũng là nơi ẩn chứa những sinh vật huyền bí, hoang dã và thiên nhiên nguyên khai thủa ban đầu. Nhưng núi đồi có nhiều điều tốt đẹp như một kho tàng vô giá về động, thực vật, là nguồn cung cấp nước ngọt từ khe, từ suối. Núi đồi tượng trưng cho sư vững chắc “chắc như bàn thạch”, sức mạnh và quyền uy. Núi đồi cũng tượng trưng cho ước mơ bay bổng của con người, lúc nào cũng hướng lên những chiều cao thẳng đứng. Cũng như rượu vang, núi đồi có thể làm ta say sưa đến mất cả tri giác hay đưa ta đến những khoái cảm tột cùng của giấc mơ được thực hiện. Nhà leo núi hiểu rõ hơn ai hết cảm nhận này khi leo núi: anh đem mạng sống ra đánh đổi những cảm giác mạnh, cảm giác tự do, niềm hạnh phúc được hòa tan vào cái không gian bao la cao vời vợi ấy.
![](/userfile/User/dohuong/images/2024/12/10/ruou-4-20241211151501809.JPG)
Tác giả (bên phải) và ông J. Canelas, từng là Đại sứ Chile tại Việt Nam
Trong thần thoại cổ Hy Lạp, anh hùng Ulysses khi đi qua vùng biển kẹp giữa hai mỏm núi cao thuộc đảo Sicile bây giờ phải lấy dây chão buộc chặt mình vào cột buồm để không bị tiếng hát mê hồn của các nàng tiên cá mê hoặc. Ở Đức có chuyện nàng tiên nữ xinh đẹp Lorelei, ngồi trên một mỏm đá cao trông ra sông Rhin và bằng giọng hát mê hồn khiến các thủy thủ đi ngang đó đều không cầm lòng được, nhảy xuống nước và chết đuối. Ở vùng Savoie của Pháp có chuyện “Bà chúa tuyết” dùng sắc đẹp mê hoặc các thợ săn, đưa họ lên những đỉnh cao chót vót, để rồi khi họ trượt chân rơi xuống vực thẳm, bà chúa tuyết khóc lóc ai oán trong những tiếng gió gào.
Đang miên man suy nghĩ, tôi không để ý tới một thiếu nữ dắt chó đi ngược chiều, đến nỗi suýt đâm sầm vào cô.
“ Xin lỗi cô”, tôi nói bằng tiếng Anh.
“Không dám”, cô đáp lại cũng bằng tiếng Anh, rồi nhanh chóng vượt qua tôi.
Tôi chỉ kịp nhìn thấy một gương mặt thanh tú với đôi mắt to và đen, sâu thăm thẳm như dòng Mapocho cuồn cuộn chảy. Nắng chỉ còn le lói sau rặng platane. Hương hoa keo nồng nàn theo bước chân thiếu nữ.
Mà quả là trong Thủ đô Santiago có nhiều hoa keo thật. Tôi đã từng đi rất nhiều nước trên thế giới, bởi thế, nếu Rumania là quốc gia của hoa đoạn thì Santiago cũng xứng đáng là thủ đô của hoa keo.
Hoa keo màu trắng tinh khiết, hương thơm êm dịu, nồng nàn. Đi mãi cũng mệt, tôi thong thả quay về khách sạn Radisson. Dưới kia, sông Mapocho lấp lánh ánh lân tinh trong hoàng hôn im lặng.
Ngày hôm sau, chúng tôi có một hội thảo về cơ hội hợp tác giữa Việt Nam và Chile.
Ngày hôm sau nữa, gặp gỡ với các đối tác. Mỗi doanh nghiệp Việt Nam có một bàn tiếp khách riêng, ban tổ chức sẽ đưa khách tới tận bàn doanh nghiệp.
Tôi tưởng đã quên đi hình ảnh cô thiếu nữ Santiago dắt chó đi dọc bờ sông cho tới khi một giọng phụ nữ trong trẻo vang lên bên tai “Chào ông”.
Tôi ngẩng lên nhìn, tưởng như không tin vào mắt mình nữa. Có thể nào lại là cô gái ấy?
Chí ít ra là họ giống nhau như lột: cũng thân hình thon thả, mái tóc xoăn dày, đôi mắt to, đen và sâu thăm thẳm như hút hồn bạn và tôi vào trong đó.
Cô tự giới thiệu là trợ lý của một chuyên gia làm rượu đã có một cuộc hẹn với tôi. Phút chót, vì một lý do bất khả kháng, anh không lên Santiago được và nhờ cô tới gặp tôi thay anh.
Tôi chẳng còn tâm trí nào nghe cô giới thiệu về ruộng nho, phương pháp làm rượu và những loại rượu của Lãnh địa Viu Manent. Mắt tôi như mờ đi, tim đập loạn. Phải chăng tôi đã bị bỏ bùa mê? Và thoang thoảng quanh tôi, mùi hoa keo như tỏa ra từ tóc người con gái.
Tôi chỉ choàng tỉnh khi thiếu nữ đặt vào tay tôi tập Brochure và nói lời tạm biệt. Rất tự nhiên, cô áp mặt sát má tôi, rồi đặt lên đó một nụ hôn. Tôi chưa kịp định thần, thiếu nữ đã ra tới cửa.
Hôm sau, như người mất hồn, tôi cùng anh Nguyễn Ngọc Lượng, Giám đốc Công ty Phong Châu đi thăm một Lãnh địa nổi tiếng trong thung lũng Curico có tên là Lãnh địa Millaman.
Chúng tôi thử nếm nhiều chai rượu Chile ngon tuyệt sau khi đi thăm ruộng nho, vườn ô liu và hầm rượu của Lãnh địa Millaman. Ở bất cứ đâu, tôi cũng tưởng tượng ra khuôn mặt cô gái ấy. Trong những ruộng nho xanh rờn, dưới dòng nước trong veo, trong hầm rượu… Cả trên chiếc phù điêu thần Bacchus, chúa tể rượu vang…
![](/userfile/User/dohuong/images/2024/12/10/ruou-3-20241211151503216.JPG)
Hoa keo trong sân hầm rượu
Trước khi rời Lãnh địa Millaman, tôi yêu cầu Victor, Giám đốc bán hàng của Lãnh địa Millaman dừng xe hái một chùm hoa keo mọc ven đường với lời giải thích rằng tôi sẽ đem chùm hoa keo đó về Việt Nam giảng dạy cho đám học trò về các mùi của rượu vang, trong đó có mùi hoa keo. Rất nhanh, Victor dừng xe sát một bụi hoa keo đang nở rộ, hái một cành đưa cho tôi, không quên dặn thêm là khi ra sân bay phải cẩn thận, sợ hải quan Chile làm rắc rối vì theo luật hải quan Chile, người nước ngoài không có quyền đưa các loại thực vật hay gia súc vào Chile, còn có quyền đưa những thứ đó ra khỏi Chile hay không thì Victor không rõ.
Chúng tôi về tới khách sạn Radisson thì trời đã tối. Mọi người rủ nhau đi ăn nhưng vì bụng tôi vẫn còn lưng lửng sau bữa ăn trưa thịnh soạn tại Lãnh địa Millaman nên tôi từ chối và lên thẳng phòng khách sạn. Nhẹ nhàng đặt chùm hoa keo lên bàn làm việc, tôi mở laptop ra làm việc được chừng 2 tiếng, rồi vì quá mệt mỏi sau một ngày làm việc và đi lại nhiều, cứ để nguyên cả quần áo, không kịp tắt đèn, tôi lăn ra giường và ngủ mê mệt tới chừng 4 - 5 giờ sáng gì đó với những cơn mộng mị vớ vẩn như chạy băng qua các ruộng nho dưới ánh trăng vằng vặc hoặc cùng thiếu nữ Santiago chén tạc chén thù trong vườn hoa của Lãnh địa Millaman, bên cạnh một dòng suối nhỏ. Tôi lỡ tay đánh rơi ly rượu xuống suối, thiếu nữ nhảy ào xuống như để cứu ly rượu và hình bóng thiếu nữ như một nàng tiên cá, lúc hợp lúc tan trong vùng nước xao động. Khi mặt nước lặng im, không còn thấy thiếu nữ, chỉ còn ly rượu vỡ tan thành trăm ngàn mảnh, lấp lánh cùng cuội trắng nơi đáy nước…
Hét lên một tiếng, tôi choàng tỉnh. Đèn trong phòng vẫn sáng. Chùm hoa keo trên bàn làm việc lay động như có ai vừa chạm tay vào.
Tỉnh táo hẳn sau khi tắm nước nóng, tôi đoán chừng mới gần 6 giờ sáng gì đó vì qua cửa sổ phòng tôi trên tầng 16, những ngọn núi phủ tuyết bao quanh thủ đô Santiago vẫn còn chìm trong bóng tối lờ mờ. Khoác vội một chiến áo len dài tay, tôi xuống sảnh và rời khách sạn Radisson, đi thẳng một mạch ra đường kè dọc sông Mapocho. Trời vẫn còn tranh tối tranh sáng, tôi đăm đắm nhìn vào mặt nước sông Mapocho cuồn cuộn chảy, hy vọng thấy lại lần cuối hình ảnh nàng tiên cá của tôi. Đáp lại chỉ có tiếng nước xói vào kè đá và tiếng một con chim hải âu kêu khàn khàn dưới chân cầu.
Santiago ơi, phải chăng ẩn sâu dưới dòng nước cuồn cuộn chảy của sông Mapocho có một nàng Lorelei và trên những đỉnh cao của rặng Andes vây bọc quanh tôi có những bà chúa tuyết?