Lai Châu tuyên truyền, phổ biến rộng rãi Luật Tài nguyên nước

Thứ hai, 7/10/2024 | 17:21 GMT+7
Ngày 7/10, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lai Châu tổ chức Hội nghị phổ biến, tuyên truyền Luật Tài nguyên nước số 28/2023/QH15 và các các nghị định, thông tư thi hành Luật.

Tại hội nghị, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lai Châu Mai Văn Thạch cho biết, trên địa bàn tỉnh Lai Châu có 96 sông, suối thuộc Danh mục lưu vực sông liên tỉnh và Danh mục sông nội tỉnh. Trong đó, có 4 sông liên tỉnh lớn gồm: sông Đà, sông Nậm Na, sông Nậm Mạ, sông Nậm Mu.

Sông, suối trên địa bàn tỉnh Lai Châu vừa có tác dụng dẫn nước cung cấp nước tưới cho ruộng đồng vừa là nguồn nước cấp cho các nhà máy xử lý nước sạch phục vụ sinh hoạt cho nhân dân. Đặc biệt, sông suối trên địa bàn tỉnh có địa hình dốc nên có tiềm năng phát triển thủy điện, đến nay đã có 160 dự án thủy điện được Bộ Công Thương phê duyệt quy hoạch với quy mô tổng công suất 4.271,35MW.

Ngoài ra, toàn tỉnh Lai Châu có 81 hồ, đập chứa nước với 15 hồ chứa có dung tích trên 1 triệu m3, 66 hồ chứa nước dưới 1 triệu m3. Tổng trữ lượng nước dưới đất có thể khai thác của tỉnh Lai Châu là 1.706.005 m3/ngày, trong đó tầng chứa nước phong phú nhất, có thể khai thác phục vụ cho các mục đích cấp nước là tầng chứa nước p1-2 với trữ lượng có thể khai thác là 327.754 m3/ngày.

Quang cảnh hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Nguyễn Minh Khuyến cho biết, Luật Tài nguyên nước năm 2023 đánh dấu bước tiến rất lớn về tư duy, cách tiếp cận, thay đổi phương thức quản trị tài nguyên nước trong bối cảnh tài nguyên nước Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức. 

Theo ông Nguyễn Minh Khuyến, Luật Tài nguyên nước và các văn bản quy định chi tiết được ban hành đã quy định trách nhiệm cụ thể của các cơ quan, ban, ngành ở Trung ương và địa phương, trong đó địa phương thực thi 28 nội dung để tổ chức thi hành luật (điều tra cơ bản, phương án khai thác trong quy hoạch tỉnh, lập, cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước, hạn chế khai thác nước dưới đất, vùng bảo hộ vệ sinh công trình lấy nước sinh hoạt, lập và ban hành danh mục hồ ao không được san lấp, dòng chảy tối thiểu trên sông, suối nội tỉnh...).

Ông Nguyễn Minh Khuyến đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lai Châu tiếp tục phối hợp với các Sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, UBND cấp xã và các cơ quan liên quan tổ chức quán triệt, tập huấn, tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về tài nguyên nước, trong đó tập trung phổ biến tới các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh để bảo đảm thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về tài nguyên nước.

Tiếp tục chỉ đạo rà soát, đôn đốc các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên nước thuộc trường hợp phải kê khai, đăng ký hoặc có giấy phép khẩn trương thực hiện thủ tục đăng ký, nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước năm 2023. Đặc biệt, triển khai thực hiện các quy định mới về kê khai nước dưới đất, đăng ký sử dụng mặt nước, đăng ký khai thác tài nguyên nước; khẩn trương thực hiện cấp phép khai thác tài nguyên nước đối với công trình thủy lợi thuộc đối tượng phải có giấy phép theo quy định.

Bên cạnh đó cần khẩn trương chỉ đạo việc xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch thể hiện phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước trên bản đồ địa chính hoặc bản đồ hiện trạng sử dụng đất theo quy định tại Điều 27 của Nghị định số 53/2024/NĐ-CP để thực hiện việc quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước đảm bảo đồng bộ với pháp luật về đất đai. Tổ chức rà soát, cập nhật, điều chỉnh, công bố Danh mục hồ, ao, đầm phá không được san lấp theo quy định của Luật Tài nguyên nước năm 2023 và Nghị định 53/2024/NĐ-CP; xây dựng, ban hành kế hoạch bảo vệ nước dưới đất và phải hoàn thành trước ngày 1/7/2027; tăng cường công tác quản lý việc khai thác cát, sỏi lòng sông, đặc biệt là các tuyến sông lớn đang làm suy thoái lòng dẫn, gia tăng nguy cơ sạt lở bờ sông, gây hạn chế khả năng lấy nước của công trình lấy nước; tổ chức điều tra, đánh giá quan trắc, giám sát diễn biến dòng chảy, bồi lắng, xói lở lòng, bờ, bãi sông trên các sông nội tỉnh.

Thực hiện hiệu quả việc quản lý, giám sát khai thác sử dụng tài nguyên nước và quản lý, lưu trữ thông tin dữ liệu khí tượng thủy văn trên địa bàn tỉnh Lai Châu; kết nối, cập nhật vào hệ thống giám sát khai thác sử dụng tài nguyên nước của Trung ương. Cập nhật đầy đủ giấy phép đã cấp; tăng cường công tác quan trắc, giám sát chặt chẽ diễn biến nguồn nước, nhất là nguồn nước từ nước ngoài vào để thông tin kịp thời cho các cơ quan, địa phương và nhân dân biết để chủ động triển khai biện pháp khai thác, ứng phó phù hợp với từng giai đoạn; giám sát chặt chẽ hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước thuộc đối tượng phải có giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước...

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Lai Châu đề nghị các cơ quan, đơn vị chủ động tuyên truyền, phổ biến Luật Tài nguyên nước và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật đến các cán bộ, công chức, viên chức, lao động; các tổ chức, cộng đồng dân cư và nhân dân để nâng cao ý thức, trách nhiệm trong quản lý, bảo vệ tài nguyên nước. Các Sở, ngành tỉnh, UBND các huyện, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn chủ động tham mưu, thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ tài nguyên nước thuộc trách nhiệm của mình đảm bảo tiến độ, hiệu quả.

Khả Như (T/H)