Lấy con người làm trung tâm để ứng phó với các thách thức về khí hậu

Thứ tư, 12/10/2022 | 08:30 GMT+7
Mới đây, Ủy ban về các vấn đề kinh tế và tài chính của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 77 đã tiến hành phiên thảo luận về biến đổi khí hậu, môi trường, đa dạng sinh học.

Tham dự phiên thảo luận, đại diện các quốc gia thành viên cho rằng, tác động của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và mất đa dạng sinh học ảnh hưởng lớn tới việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, phát triển kinh tế xã hội. Từ đó, kêu gọi thực hiện những cam kết quốc tế và hỗ trợ các nước đang phát triển thông qua tăng cường hỗ trợ tài chính, xây dựng cơ sở hạ tầng, chuyển giao công nghệ, giảm thiểu rủi ro để cùng ứng phó với những thách thức chung hiện nay.

Tại đây, Việt Nam đã kêu gọi cách tiếp cận toàn diện giải quyết các thách thức liên quan. Cụ thể, phát biểu tại phiên họp, Tham tán Công sứ Lê Thị Minh Thoa, Phó Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc nhấn mạnh, các nước cần đảm bảo có những tiến triển thực chất trong thực hiện các cam kết quốc tế; cần lấy con người làm trung tâm để ứng phó với các thách thức về khí hậu và môi trường, tôn trọng nguyên tắc trách nhiệm chung nhưng khác biệt, phù hợp với điều kiện, khả năng của từng nước, đảm bảo cân bằng nguồn tài chính cho việc giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tham tán Công sứ Lê Thị Minh Thoa phát biểu tại phiên họp của Ủy ban về các vấn đề kinh tế và tài chính của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 77

Để biến các cam kết thành hành động, đại diện Việt Nam khuyến nghị các nước, ở cấp quốc gia, tiếp tục xây dựng và lồng ghép các vấn đề về biến đổi khí hậu, môi trường và đa dạng sinh học vào các khuôn khổ pháp lý, chính sách và kế hoạch hành động liên quan. Ngoài ra, các nước cũng cần xây dựng và phát triển nền kinh tế xanh và bền vững, nâng cao nhận thức chung về biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường để hình thành lối sống thân thiện và hài hòa với thiên nhiên.

Hơn nữa, việc áp dụng khoa học, công nghệ và đổi mới trong chiến lược phát triển bền vững quốc gia cũng vô cùng cần thiết. Trong quá trình này, các đối tác phát triển quốc tế cần tiếp tục đảm bảo cho các nước đang phát triển khả năng tiếp cận tài chính, xây dựng năng lực, hợp tác khoa học và kỹ thuật và chuyển giao công nghệ. 

Dịp này, đại diện Việt Nam nêu bật các nỗ lực của Việt Nam trong việc triển khai các biện pháp toàn diện và cụ thể nhằm thực hiện các cam kết khí hậu, bảo vệ môi trường; cũng như sửa đổi và thông qua các văn bản pháp luật liên quan để hoàn thiện thể chế pháp lý, cập nhật Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu đến năm 2050 và cũng như Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC).

Lâm Bảo (T/H)