Bản tin môi trường số 39/2022

Thứ hai, 10/10/2022 | 14:48 GMT+7
Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, Bộ Công Thương vừa tổ chức hội nghị Tập huấn nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho các doanh nghiệp.

Nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho các doanh nghiệp

Ông Tô Xuân Bảo, Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp cho biết, ngành thép là ngành được xếp vào loại có nguy cơ ô nhiễm môi trường và áp dụng nhiều quy định nghiêm ngặt về bảo vệ môi trường. Chính vì vậy, việc cập nhật các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường là rất cần thiết đối với các doanh nghiệp. Thông qua hội nghị này, Cục sẽ phổ biến, cùng trao đổi với ngành thép để hiểu rõ vấn đề phải làm gì để đáp ứng được các yêu cầu về bảo vệ môi trường với những quy định mới, chặt chẽ hơn, ngặt nghèo hơn và triển khai đúng theo các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Tại hội nghị, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp đã phổ biến các quy định mới có hiệu lực của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; Nghị định số 08/2022 của Chính phủ và Thông tư số 02/2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường; Nghị định số 45/2022 quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đến đông đảo các doanh nghiệp ngành thép tham dự hội nghị.

Hội nghị Tập huấn nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho các doanh nghiệp ngành sản xuất thép

Trong khuôn khổ hội nghị, đại diện phòng Bảo vệ môi trường Công Thương, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp thông tin những điểm cốt lõi về các quy định các quy định, điểm mới về bảo vệ môi trường trong Luật Bảo vệ môi trưởng và các văn bản thi hành. Đặc biệt, Luật này có những điểm rất mới so với Luật trước đây, trong đó quy định công tác bảo vệ môi trường hết sức ngặt nghèo trong các lĩnh vực sản xuất...

Đáng chú ý, Luật Bảo vệ môi trường quy định và Nghị định 08/2022 phân loại ngành sản xuất thép là ngành có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Do đó, ngành thép phải tuân thủ các điều kiện ngặt nghèo hơn, đặc biệt là liên quan đến chất thải, khí thải, xử lý nước thải, bụi, nguồn thải sản xuất cũng lớn.

Theo đó, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp cho rằng, doanh nghiệp phải có phương án tái sử dụng sản xuất kinh tế tuần hoàn, để làm sao đảm bảo được nguồn thải đó vừa bảo vệ môi trường vừa hiệu quả trong sản xuất. Bên cạnh đó, ngành thép cũng là ngành sử dụng các phế liệu vì thế bài toán đầu tư công nghệ để đáp ứng được yêu cầu về tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường theo quy định của Luật mới này.

Đặc biệt, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng quy chuẩn, liên quan về tiêu chuẩn đối với các tiêu chuẩn về khí thải, chất thải đối với các ngành sản xuất với yêu cầu rất nghiêm ngặt. Chính vì thế, ngành thép cần phải đầu tư đổi mới công nghệ, công tác quản trị làm sao đảm bảo đáp ứng được các yêu cầu. Đây cũng là bài toán ngành thép phải đặt ra để đầu tư, phát triển trong thời gian tới.

TP Đà Nẵng hoàn thiện và áp dụng Bộ chỉ số môi trường cấp quận, huyện

Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng vừa phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Đà Nẵng, Trung tâm nghiên cứu môi trường và cộng đồng (CECR) tổ chức Hội thảo công bố kết quả thử nghiệm áp dụng và chuyển giao Bộ chỉ số môi trường cấp huyện.

Sáng kiến “Xây dựng Bộ chỉ số đánh giá công tác bảo vệ và quản lý môi trường (cấp quận, huyện) dựa trên điều tra cộng đồng” do Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng đề xuất, nằm trong chuỗi các hoạt động của dự án “Chung tay hành động bảo vệ nguồn nước”. Dự án do CECR hợp tác với Sở TN&MT TP Đà Nẵng triển khai trong khuôn khổ Chương trình sáng kiến địa phương của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ.

Sáng kiến nhằm nâng cao chất lượng cũng như hiệu quả hoạt động quản lý và bảo vệ môi trường tại địa phương, tăng cường mối quan hệ, ý thức trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng, từ đó thường xuyên cải thiện chất lượng môi trường sống, góp phần thúc đẩy tiến trình phát triển bền vững kinh tế - xã hội tại địa phương.

TP Đà Nẵng nâng cao công tác bảo vệ và quản lý môi trường

Trải qua 1 năm thực hiện sáng kiến, từ tháng 10/2021 đến 10/2022, Viện nghiên cứu đã cơ bản hoàn thành các hoạt động của sáng kiến. Theo kết quả khảo sát của Viện nghiên cứu tại 4 quận, huyện: Hải Châu, Sơn Trà, Liên Chiểu, huyện Hòa Vang; người dân có nhận thức cao về môi trường và bảo vệ môi trường nhưng chưa cao về các quy định luật pháp, chính sách liên quan đến môi trường; người dân ngày càng có ý thức thực hiện các hành vi quan tâm, bảo vệ môi trường; hầu hết các quận, huyện đều nhận được mức độ khá hài lòng với công tác bảo vệ và quản lý môi trường…

Từ những kết quả thu được từ thử nghiệm áp dụng bộ chỉ số, nhiều kiến nghị cũng đã được đề xuất như: tăng cường kết nối giữa người dân và cơ quan quản lý qua các kênh mạng xã hội; nghiên cứu đầu tư phát triển hệ thống thoát nước, xử lý nước thải; kiên quyết xử lý với các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường; chọn lọc dự án thân thiện môi trường, tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên; hiện đại hóa việc sử dụng công nghệ số trong công tác quản lý, kết nối thông tin…

Dự kiến, năm 2023, sáng kiến sẽ thực hiện khảo sát tất cả các quận, huyện của TP Đà Nẵng để có kết quả bao quát, làm nền tảng cho việc hoàn thiện bộ chỉ số áp dụng thực tiễn trong tương lai. Việc lựa chọn địa bàn khảo sát (phường, xã) sẽ theo tiêu chí ngẫu nhiên không tập trung vào các điểm nóng như quy trình thử nghiệm.

Tập huấn công tác quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Sơn La

Mới đây, Sở TN&MT tỉnh Sơn La đã tổ chức Hội nghị tập huấn, tuyên truyền về công tác quản lý chất thải rắn cho lãnh đạo, chuyên viên các Sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh.

Hoạt động tuyên truyền nhằm phổ biến đến các cán bộ làm công tác môi trường tại các sở, ban, ngành những nội dung quản lý chất thải rắn theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020, qua đó tạo nhận thức một cách đầy đủ, đúng quy định pháp luật trước khi áp dụng và triển khai vào thực tế tại địa phương, tạo chuyển biến trong quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.

Hội nghị tập huấn, tuyên truyền về công tác quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Sơn La

Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe báo cáo viên Sở TN&MT phổ biến quy định chung về quản lý chất thải, bao gồm: chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường, quản lý chất thải nguy hại, quản lý bụi, khí thải và các chất gây ô nhiễm môi trường khác. Cũng như phổ biến trách nhiệm của UBND các cấp về quản lý chất thải; quy định về phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn, giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa, phòng, chống ô nhiễm chất thải nhựa; một số nội dung liên quan đến Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 7/7/2022 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Các đại biểu cũng tập trung trao đổi, giải đáp những vướng mắc về nhiều quy định mới, xử lý những tình huống cụ thể trong thực hiện triển khai các quy định về bảo vệ môi trường.

Khánh An