ASEAN hợp tác với các đối tác về bảo vệ môi trường

Chủ nhật, 9/10/2022 | 10:08 GMT+7
Trong khuôn khổ Hội nghị Quan chức cao cấp ASEAN về môi trường lần thứ 33 (ASOEN 33), các đại biểu đã cùng thảo luận về hợp tác đa phương về thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường.

Hội nghị ASOEN 33 xem xét và báo cáo các hoạt động hợp tác của Tổ chức Quan chức cao cấp ASEAN về môi trường trong năm 2021 - 2022, từ đó chuẩn bị các nội dung báo cáo tại Hội nghị Bộ trưởng môi trường ASEAN lần thứ 17 sắp tới.

Các nhóm công tác ASEAN về 8 lĩnh vực (biến đổi khí hậu; quản lý tài nguyên nước; môi trường biển và đới bờ; bảo tồn đa dạng sinh học; thành phố bền vững về môi trường; hóa chất và chất thải; giáo dục môi trường và ô nhiễm khói mù xuyên biên giới…) đã báo cáo các hoạt động trong năm qua lên các Chủ tịch ASOEN đồng thời đề xuất kế hoạch hoạt động nhằm thực hiện Kế hoạch chiến lược về môi trường ASEAN (ASPEN).

Từ đây, các nhà Quan chức ASEAN thảo luận sôi nổi và đưa ra các quyết định quan trọng thuộc hoạt động của các Nhóm công tác ASEAN về các lĩnh vực môi trường trong khuôn khổ hợp tác ASEAN thường niên.

Hội nghị Quan chức cao cấp ASEAN về môi trường lần thứ 33

Ngoài ra, ASOEN 33 xem xét và rà soát các hoạt động hợp tác giữa ASEAN với các nước đối tác gồm: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Liên minh châu Âu...

Cụ thể, Đối thoại ASEAN - Nhật Bản về môi trường (AJDEC) lần thứ 2 được tổ chức nhằm xem xét tiến độ của các hoạt động chung trong khuôn khổ “Sáng kiến hợp tác môi trường ASEAN - Nhật Bản” ở cấp Bộ trưởng, bao gồm “Chương trình Hành động về biến đổi khí hậu ASEAN - Nhật Bản 2.0”.

Đối thoại ASEAN – Hàn Quốc (ASEAN – ROK) về môi trường và biến đổi khí hậu lần thứ 2, Việt Nam với vai trò là nước đồng chủ trì với Hàn Quốc đã điều hành Hội nghị để các quan chức xem xét, rà soát và đưa ra quyết nghị nhằm thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực về môi trường và biến đổi khí hậu, đang rất được các nước quan tâm sau Hội nghị thượng đỉnh COP26.

Mục tiêu chính của Đối thoại ASEAN - Hàn Quốc về môi trường và biến đổi khí hậu được ghi nhận như chia sẻ các chính sách về biến đổi khí hậu và môi trường, bao gồm cả về năng lượng trong bối cảnh các quốc gia chung tay giải quyết vấn đề về biến đổi khí hậu.

Phát biểu khai mạc tại Đối thoại ASEAN - Hàn Quốc về môi trường và biến đổi khí hậu lần này, ông Lê Ngọc Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế kiêm Chánh Văn phòng ASOEN Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh: Biến đổi khí hậu hiện nay đang trở nên nghiêm trọng hơn và đã thực sự trở thành thách thức lớn nhất, là vấn đề khẩn cấp đối với nhân loại. Các quốc gia ASEAN đang phải chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu, ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân. Việc thích ứng với biến đổi khí hậu là vấn đề sống còn, giảm phát thải khí nhà kính là vấn đề cấp thiết phải thực hiện để phát triển bền vững đất nước và bảo vệ hệ thống khí hậu và môi trường trong khu vực và toàn cầu.

Dịp này, Hàn Quốc và ASEAN khẳng định cam kết tăng cường hợp tác về môi trường, biến đổi khí hậu, năng lượng nhằm đóng góp vào sự phát triển bền vững của từng quốc gia, khu vực và toàn cầu, hướng tới một xã hội giảm thiểu ô nhiễm carbon, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Hội nghị Quan chức cao cấp ASEAN – EU về môi trường và biến đổi khí hậu lần thứ 4 cũng được tổ chức cùng ngày tại Campuchia. Đối thoại nhằm tái khẳng định cam kết tăng cường hợp tác giữa ASEAN và EU về các thách thức chung của khu vực và toàn cầu liên quan đến bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu với mục đích hoạch định chiến lược và vạch ra định hướng nhằm làm sâu sắc hơn nữa hợp tác cũng như tăng cường quan hệ đối tác giữa ASEAN và EU.

Các chủ đề được nhắc đến gồm: sản xuất và tiêu dùng bền vững, các chính sách và thực tiễn cho nền kinh tế tuần hoàn, giảm thiểu carbon và ô nhiễm môi trường; phục hồi phát triển xanh sau Covid-19; Sáng kiến xanh châu Âu nhằm hỗ trợ giải pháp tài chính cho các hoạt động của ASEAN - EU trong thời gian tới.

Khả Như (T/H)