Cuộc sống xanh

Long Khánh trở thành đô thị xanh của vùng TP.HCM

Thứ hai, 3/6/2019 | 14:24 GMT+7
Theo lãnh đạo TP. Long Khánh, có 4 lĩnh vực phát triển quan trọng được nhà tư vấn đưa ra là: nông nghiệp, công nghiệp, du lịch và giáo dục. Mục tiêu hướng đến xây dựng Long khánh trở thành một “đô thị xanh” của vùng TP.Hồ Chí Minh. Phương án xây dựng thành phố sẽ theo hướng mở với dịch vụ thương mại giữ vai trò trọng yếu để thực hiện kết nối vùng.

Từ ngày 1/6, Long Khánh chính thức trở thành thành phố thứ hai của tỉnh Đồng Nai. Thành phố Long Khánh được thành lập trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên gần 192 km2, dân số hơn 171 ngàn người và 15 đơn vị hành chính cấp xã của TX.Long Khánh cũ.

Trong tương lai, TP.Long Khánh được “nhắm” đến với vai trò là một hạt nhân phát triển mới. Quy hoạch vùng TP.Hồ Chí Minh đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 của Chính phủ chỉ rõ, TP.Long Khánh là cực tăng trưởng trọng điểm phía Đông và sẽ là trung tâm công nghiệp, thương mại, dịch vụ, kho vận hàng hóa của vùng. Trong tương lai xa hơn nữa, Long Khánh sẽ tiến đến trở thành đô thị loại II.

Theo đánh giá của các chuyên gia đô thị, TP.Long Khánh có vị trí khá đắc địa, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, gần với các đô thị lớn trong vùng như: TP.Biên Hòa, TP.Hồ Chí Minh, TP.Vũng Tàu; đồng thời là nơi có nhiều tuyến đường giao thông trọng điểm quốc gia đi qua nên thuận lợi để phát triển mọi mặt về kinh tế - xã hội.

Chủ tịch UBND TP.Long Khánh Hồ Văn Nam cho biết, để Long Khánh phát triển đúng hướng và có chiến lược dài hơi, thành phố đã thuê đơn vị tư vấn Nhật Bản thực hiện nghiên cứu đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung TP.Long Khánh đến năm 2035, định hướng đến năm 2050. Đơn vị tư vấn cũng đã đề xuất mở rộng đô thị về hướng Nam để tăng tính liên kết với tuyến đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây và 3 khu vực cửa ngõ tiếp cận giao thông liên vùng là: cửa ngõ Xuân Lập, cửa ngõ Hàng Gòn và cửa ngõ Bàu Sen.

Có 4 lĩnh vực phát triển quan trọng được nhà tư vấn đưa ra là: nông nghiệp, công nghiệp, du lịch và giáo dục. Mục tiêu hướng đến xây dựng Long khánh trở thành một “đô thị xanh” của vùng TP.Hồ Chí Minh. Cũng theo lãnh đạo TP.Long Khánh, phương án xây dựng thành phố sẽ theo hướng mở với dịch vụ thương mại giữ vai trò trọng yếu để thực hiện kết nối vùng.

Về kiến trúc, Long Khánh sẽ phát triển theo hướng bảo tồn cảnh quan đặc trưng, đây là thế mạnh của thành phố. Nhiều người đã so sánh khu vực Suối Tre của TP.Long Khánh là “Đà Lạt miền Đông”.

Với quy hoạch mang một tầm nhìn đầy tham vọng “đô thị xanh” sẽ mở ra một thời kỳ mới cho TP.Long Khánh tương lai. Đến nay TP.Long Khánh cũng đang chủ động trong việc mở rộng đô thị ra vùng ngoại ô để giảm áp lực cho nội ô, một bài toán căn cơ, lâu dài cho mục tiêu hướng đến một thành phố xanh của tương lai.

Long Khánh là địa danh nổi tiếng đã xuất hiện từ thời nhà Nguyễn. Qua nhiều lần tách nhập, năm 1991 sau khi tách ra khỏi huyện Xuân Lộc (cũ), Long Khánh trở thành tên gọi của một huyện bao gồm cả Long Khánh, Cẩm Mỹ và một phần huyện Thống Nhất ngày nay. Năm 2003, huyện Long Khánh được giải thể để tách thành TX.Long Khánh và huyện Cẩm Mỹ.

Tháng 8-2003, TX.Long Khánh được thành lập theo Nghị định 97 của Thủ tướng Chính phủ với 15 đơn vị hành chính. Năm 2015, TX.Long Khánh được công nhận là đô thị loại III và đúng 4 năm sau, ngày 10-4 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết thành lập Long Khánh là thành phố trực thuộc tỉnh Đồng Nai từ ngày 1-6-2019, trước 1 năm so với kế hoạch phấn đấu của địa phương.

Tuấn Kiệt (t/h)