Nông nghiệp sạch

Mở rộng kênh tiêu thụ nông sản tỉnh Bình Định

Thứ hai, 27/6/2022 | 15:05 GMT+7
Mới đây, Bộ Công Thương đã phối hợp với UBND tỉnh Bình Định tổ chức hội nghị kết nối cung cầu nhằm triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ tiêu thụ nông sản trên địa bàn.

Phát biểu tại sự kiện, ông Nguyễn Tự Công Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết: Chúng tôi hướng đến một kênh phân phối mới, hiện đại và bền vững trên nền tảng số, kết nối bán hàng trực tuyến với các kênh truyền thống. Bên cạnh đó, Bình Định tiếp tục xây dựng và quảng bá thương hiệu nông sản, mở rộng thị trường, dùng thương mại điện tử để đẩy mạnh xuất khẩu các ngành hàng chủ lực.

Hội nghị kết nối cung cầu lần này là cơ hội cho doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh giới thiệu sản phẩm, hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, qua đó đẩy mạnh hoạt động liên kết vùng miền, hợp tác cung ứng, tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ trên cả nước theo phương thức hiện đại.

Ông Nguyễn Tự Công Hoàng cũng cam kết, tỉnh sẽ đảm bảo về nguồn cung, chất lượng, mẫu mã những sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, đặc trưng của Bình Định trên các sàn thương mại điện tử. Thời gian tới, Bình Định sẽ lên ý tưởng về việc triển khai các điểm bán hàng có tính nhận diện cao như: “Tự hào hàng Việt Nam”, “Tinh hoa hàng Việt”; điểm bán hàng OCOP tại địa phương…

Đẩy mạnh tiêu thụ, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu Bình Định

Bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho rằng, với những lợi thế sẵn có, thương mại điện tử của Bình Định có cơ sở vững chắc để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, mở rộng kênh phân phối mới, nâng cao giá trị các sản phẩm của tỉnh.

Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương Lê Việt Nga đánh giá, Bình Định là một trong những tỉnh có nền văn hóa, du lịch phong phú cùng với nhiều sản phẩm nông sản nổi bật được người tiêu dùng cả nước quan tâm.

Bên cạnh phát triển những sản phẩm truyền thống như: lúa, mai vàng, dừa và nhiều loại rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, Bình Định còn có điều kiện tự nhiên đất đai, khí hậu thuận lợi để phát triển một số đặc sản làng nghề như Bàu Đá, Mỹ An… Đây đều là những sản phẩm có tiềm năng phủ sóng cả nước.

Theo đó, doanh nghiệp cần chủ động hợp tác, liên kết để nâng cao sức mạnh, tạo chuỗi cung ứng thông qua thúc đẩy liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và người nông dân, hộ sản xuất, từ đó hoàn thiện chuỗi giá trị tới người tiêu dùng.

Với mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở, hộ nông dân sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Bình Định, đại diện Sở Công Thương Bình Định và Sở Công Thương các tỉnh, thành phố, các sàn thương mại điện tử tham gia hội nghị đã ký biên bản ghi nhớ, hợp tác liên kết cung - cầu hàng hóa hai chiều giữa tỉnh Bình Định và các địa phương khác. 

Ngoài ra, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số còn phối hợp với Sở Công Thương Bình Định tổ chức tập huấn, kết nối thương mại điện tử cho doanh nghiệp Bình Định và các tỉnh miền Trung với tất cả sàn thương mại điện tử lớn ở Việt Nam hiện nay. 

Ông Ngô Văn Tổng, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Định khẳng định, ứng dụng các giải pháp số cho sản xuất, bảo quản và tiêu thụ nông sản giúp nâng cao hiệu quả kinh doanh, đồng thời hình thành thói quen cho người tiêu thụ tìm kiếm nông sản qua các kênh trực tuyến uy tín.

Gia Linh (T/H)