Năm 2020 trên đà trở thành một trong ba năm nóng nhất từng ghi nhận

Thứ năm, 3/12/2020 | 16:06 GMT+7
Theo Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), nhiệt độ đại dương đang ở mức kỷ lục, hơn 80% đại dương trên thế giới đều phải hứng chịu và năm 2011 - 2020 sẽ là thập kỷ có nhiệt độ cao nhất được ghi nhận với sáu năm nóng nhất đều từ sau năm 2015.

Đánh giá của WMO chỉ ra rằng, năm 2020 là năm nóng thứ 2 tính tới nay, chỉ sau năm 2016 và nóng vượt năm 2019. Tuy nhiên, mức chênh lệch giữa ba năm nóng nhất này là rất nhỏ và thứ hạng chính xác trong mỗi cơ sở dữ liệu có thể thay đổi khi dữ liệu của cả năm được thu thập đầy đủ.

Khu vực nóng lên rõ rệt nhất là ở toàn Bắc Á, đặc biệt là Cực Bắc Siberia – nơi có nhiệt độ cao hơn 5°C so với mức trung bình. Nhiệt độ ở Siberia cao đỉnh điểm vào cuối tháng 6, đạt tới 38,0°C tại Verkhoyansk vào ngày 20/6, đây được coi là nhiệt độ cao nhất được ghi nhận trên toàn vùng phía Bắc của Vòng Bắc Cực. Hiện tượng nóng lên này đã phần nào tạo nên mùa cháy rừng mạnh nhất trong 18 năm qua.

Nhiệt độ tăng cũng khiến băng biển ở Bắc Cực chạm mức thấp nhất hàng năm vào tháng 9 vừa qua, là mức thấp thứ hai theo ghi nhận vệ tinh trong 42 năm. Mức băng ở biển Bắc Cực trong tháng 7/2020 và tháng 10/2020 là mức thấp nhất được ghi nhận.

Băng tan ở Verkhoyansk

Băng tan gây nhiều hệ lụy như nước biển dâng và lũ lụt. Lũ lụt nghiêm trọng đã ảnh hưởng đến hàng triệu người ở Đông Phi và Sahel, Nam Á, Trung Quốc và Việt Nam. Ở châu Phi, Sudan và Kenya là hai khu vực bị tàn phá nặng nề nhất với 285 người tử vong ở Kenya và 155 người ở Sudan. Mực nước hồ Victoria đạt mức cao kỷ lục vào tháng 5, sông Niger và sông Nile đạt mức kỷ lục tại Niamey (Niger) và Khartoum (Sudan).

Tại Trung Quốc, lượng mưa lớn liên tục ở lưu vực sông Dương Tử trong mùa gió mùa cũng gây ra lũ lụt nghiêm trọng. Thiệt hại kinh tế được báo cáo đã vượt quá 15 tỷ USD và ít nhất 279 người thiệt mạng.

Việt Nam cũng ghi nhận những trận mưa lớn khi gió mùa Đông Bắc đến và trở nên nghiêm trọng hơn khi xuất hiện của hàng loạt các trận bão và áp thấp nhiệt đới, với 8 cơn bão đổ bộ vào đất liền trong vòng chưa đầy 5 tuần.

Bão lũ gây ảnh hưởng nặng nề đến miền Trung Việt Nam

Từ những tác động của biến đổi khí hậu, bất ổn an ninh lương thực đã gia tăng trở lại những năm gần đây. Theo số liệu mới nhất của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), gần 690 triệu người (9% dân số thế giới) bị suy dinh dưỡng và khoảng 750 triệu người đã phải trải qua tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng vào năm 2019. Số người rơi vào tình trạng khủng hoảng, khẩn cấp và đói kém tăng lên gần 135 triệu người trên 55 quốc gia.

Theo FAO và Chương trình Lương thực thế giới (WFP), hơn 50 triệu người đã chịu ảnh hưởng kép từ các thảm họa liên quan đến khí hậu (lũ lụt, hạn hán, bão) và đại dịch COVID-19 vào năm 2020.

Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế, tình trạng suy thoái toàn cầu do đại dịch hiện đang khiến việc ban hành các chính sách cần thiết để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu trở nên khó khăn. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để đưa nền kinh tế thế giới đi theo con đường xanh hơn bằng cách thúc đẩy đầu tư vào lĩnh vực xanh và cơ sở hạ tầng công cộng bền vững, từ đó hỗ trợ tăng trưởng GDP và tạo thêm việc làm trong giai đoạn phục hồi.

Thanh Tâm