Hội nghị toàn quốc công tác nước sạch nông thôn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNICEF) tổ chức.
Thông tin tại hội nghị, đại diện Cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) cho biết, tính đến cuối năm 2023, toàn quốc có 74,2% hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước đạt quy chuẩn, trong đó có 55,1% số hộ sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn từ công trình cấp nước tập trung và 19,1% số hộ sử dụng nước từ công trình cấp nước hộ gia đình. Trong đó, vùng đồng bằng sông Hồng có số hộ gia đình nông thôn sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn cao nhất (91,9%) so với các vùng khác trên phạm vi toàn quốc; vùng Tây Nguyên có số hộ gia đình sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn thấp nhất (39,5%). Mặc dù có 74,2% hộ gia đình nông thôn sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn nhưng tại một số tỉnh vẫn còn tỷ lệ sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn từ công trình cấp nước tập trung rất thấp như: Hà Giang (7,7%), Gia Lai (7,7%), Yên Bái (11,4%), Cao Bằng (12,6%), Lâm Đồng 12,8%, Điện Biên (13,5%).
![](/userfile/User/thanhtam/images/2024/11/19/nuoc-sach-nong-thon-20241120114627487.png)
Vùng đồng bằng sông Hồng có số hộ gia đình nông thôn sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn cao nhất
Cấp nước sạch nông thôn đã góp phần vào kết quả thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Cả nước có 6.289/8.162 xã (77,1%) đạt chuẩn nông thôn mới với 2.146 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 465 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 6.512/8.162 xã (79,7%) đạt tiêu chí về môi trường và an toàn thực phẩm, trong đó có chỉ tiêu về nước sạch nông thôn.
Cả nước có 18.109 công trình cấp nước tập trung nông thôn, cấp nước sạch đạt quy chuẩn cho 9.374.264 hộ gia đình nông thôn; trong đó có 32,0% công trình hoạt động bền vững, 26,3% công trình hoạt động tương đối bền vững, 27% công trình hoạt động kém bền vững và 14,8% công trình không hoạt động.
Sau khi nghe báo cáo, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh, Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ có 80% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch. Hiện nay, nguồn lực đầu tư cho cấp nước nông thôn chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước, tuy nhiên chỉ huy động được nguồn lực xã hội ở khu vực đồng bằng, nơi tập trung đông dân cư. Do đó, thiếu giải pháp thỏa đáng để thúc đẩy nguồn lực cho khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Bên cạnh đó hệ thống chính sách về cấp nước chưa được hoàn chỉnh, các quy định hiện có chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ, thống nhất, tính hiệu lực, hiệu quả trong thực tiễn chưa cao. Hay như mô hình tổ chức quản lý khai thác công trình nước sạch tập trung khu vực nông thôn đa dạng, chưa có quy định cụ thể, thống nhất. Giá nước thấp, thu không đủ bù chi, thiếu kinh phí hỗ trợ theo quy định... dẫn tới tỷ lệ công trình hoạt động kém hiệu quả, ngừng hoạt động còn cao, chất lượng dịch vụ thấp.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cũng đánh giá cao những kết quả đáng khích lệ đạt được trong nước sạch nông thôn và đã có 116 công trình có công suất từ 5.000 m3/ngày đêm, đảm bảo cấp nước sạch đạt quy chuẩn từ công trình cấp nước tập trung cho khoảng 55% dân số nông thôn, 94% các trường học. Các hộ gia đình chưa được cấp nước tập trung đã được hỗ trợ về kỹ thuật, tài chính và hướng dẫn các biện pháp thu, trữ, xử lý nước an toàn cho mục đích sinh hoạt.
Tại hội nghị, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thanh Bình đề xuất, để đảm bảo cung ứng nước sạch cho người dân ở nông thôn cần có giải pháp phi công trình và giải pháp công trình, cụ thể như: theo dõi chặt chẽ diễn biến và dự báo về thời tiết, khí tượng, thủy văn, nguồn nước, xâm nhập mặn; nắm chắc thông tin về nguồn nước trên từng địa bàn để xây dựng kịch bản, có phương án, kế hoạch phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn cho phù hợp. Vận hành hiệu quả hệ thống, công trình thủy lợi để lấy nước, chủ động trữ nước; nạo vét các kênh mương, hồ chứa nước bị bồi lắng để khôi phục, tăng khả năng trữ nước; tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động tích trữ nước ngọt, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, triệt để, chống thất thoát, lãng phí nguồn nước ngọt; tập trung đầu tư hạ tầng nước sạch nông thôn.
Đại diện Sở NN&PTNT Lào Cai góp ý, Bộ NN&PTNT cần sớm ban hành định mức kinh tế kỹ thuật trong quản lý, vận hành công trình cấp nước để làm cơ sở xác định chi phí quản lý, khai thác, bảo vệ công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn, làm cơ sở triển khai xây dựng phương án giá nước theo quy định. Xây dựng chính sách, bố trí nguồn lực để thu hút đầu tư công trình cấp nước sạch nông thôn, bố trí ngân sách Trung ương cấp bù hoặc hỗ trợ giá tiền nước cho đối tượng sử dụng nước từ công trình cấp nước tập trung nông thôn khu vực đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới hoặc vùng đặc biệt khó khăn, khan hiếm nguồn nước ở các tỉnh miền núi.