Thanh Hóa: Phổ biến, làm rõ các văn bản quy định thi thành Luật Tài nguyên nước

Thứ ba, 5/11/2024 | 12:12 GMT+7
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa vừa phối hợp với Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức Hội nghị phổ biến, tuyên truyền Luật Tài nguyên nước 2023 và các văn bản quy định chi tiết thi hành luật trên địa bàn.

Tại hội nghị, các đại biểu được giới thiệu những nội dung quan trọng của nhiều văn bản hướng dẫn thi hành luật như: Luật Tài nguyên nước 2023; Nghị định số 53/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước; Nghị định số 54/2024/NĐ-CP của Chính phủ Quy định việc hành nghề khoan nước dưới đất, kê khai, đăng ký, cấp phép, dịch vụ tài nguyên nước và tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước; Thông tư số 03/2024/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước; Thông tư số 04/2024/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định việc kiểm tra việc chấp hành pháp luật về tài nguyên nước và thẩm định, nghiệm thu kết quả hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước; Thông tư số 05/2024/TT-BTNMT quy định việc di chuyển, thay đổi vị trí, giải thể trạm quan trắc tài nguyên nước dưới đất.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Ngô Chí Hướng, Trưởng phòng Lưu vực sông Bắc Trung Bộ (Cục Quản lý tài nguyên nước) cho biết, Luật Tài nguyên nước và các văn bản quy định chi tiết được ban hành đã quy định trách nhiệm cụ thể của các cơ quan, ban, ngành ở Trung ương và địa phương, trong đó Luật đã giao cho địa phương thực thi 28 nội dung để tổ chức thi hành Luật (điều tra cơ bản, phương án khai thác trong quy hoạch tỉnh, lập, cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước, hạn chế khai thác nước dưới đất, vùng bảo hộ vệ sinh công trình lấy nước sinh hoạt, lập và ban hành danh mục hồ ao không được san lấp, dòng chảy tối thiểu trên sông, suối nội tỉnh...).

Quang cảnh hội nghị

Giới thiệu những nội dung chính của Nghị định số 53/2024/NĐ-CP, Phó Trưởng phòng Lưu vực sông Bắc Trung Bộ Nguyễn Quốc Vỹ cho biết, Nghị định gồm 7 chương, 98 Điều, hướng dẫn 16 nội dung được giao trong Luật Tài nguyên nước năm 2023 và được thể hiện thông qua 13 mục trong các chương, cụ thể: điều tra cơ bản tài nguyên nước; lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành về tài nguyên nước; lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước; ngưỡng khai thác nước dưới đất và khoanh vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất; điều hòa, phân phối tài nguyên nước; chuyển nước lưu vực sông; quy trình vận hành liên hồ chứa và quy chế phối hợp vận hành giữa đập, hồ chứa bậc thang trên sông, suối; danh mục hồ, ao, đầm phá không được san lấp; bảo vệ, phòng, chống sạt lở lòng, bờ, bãi sông, hồ; điều phối, giám sát hoạt động khai thác, sử dụng bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra, tổ chức và hoạt động của tổ chức lưu vực sông; hạch toán tài nguyên nước; hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia; quy định về quan trắc, giám sát khai thác tài nguyên nước, chất lượng nước.

Theo ông Nguyễn Quốc Vỹ, việc lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành về tài nguyên nước là nội dung được quy định mới trên cơ sở tham khảo pháp luật về quy hoạch, các quy định của pháp luật có liên quan như thủy lợi, đê điều… Nghị định cũng quy định chi tiết hơn về việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch lưu vực sông liên tỉnh thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường để cụ thể hóa Khoản 4 Điều 19 Luật Tài nguyên nước.

Đối với nội dung hạn chế khai thác nước dưới đất, Nghị định số 53/2024/NĐ-CP cũng đã sửa đổi, bổ sung những quy định nhằm giảm bớt trình tự thủ tục; tăng quyền của tổ chức, cá nhân khai thác nước. Về cấm khai thác nước dưới đất, đây là nội dung mới được xây dựng trên cơ sở quy định tại khoản 5 Điều 31 Luật Tài nguyên nước năm 2023, trong đó có kế thừa các biện pháp hạn chế khai thác nước dưới đất tại các vùng sụt lún đất, vùng xâm nhập mặn của Nghị định số 167/2018/NĐ-CP.

Về Nghị định số 54/2024/NĐ-CP, ông Nguyễn Quốc Vỹ cho biết, Nghị định bao gồm 5 chương: quy định chung; kê khai, đăng ký, cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước; hành nghề khoan nước dưới đất và dịch vụ về tài nguyên nước; tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước; trách nhiệm thực hiện và hiệu lực thi hành.

Trên cơ sở những nội dung được trình bày, các báo cáo viên cùng trao đổi, giải đáp các câu hỏi, vướng mắc của các đại biểu trong quá trình triển khai Luật Tài nguyên nước năm 2023 và các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành; làm rõ các quy định của Luật, nhất là những nội dung mới, quan trọng, qua đó góp phần làm tốt công tác quản lý tài nguyên nước tại địa phương.

Linh Giang (T/H)