Khoa học công nghệ

Nâng cao kỹ năng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của cuộc CMCN 4.0

Thứ ba, 31/8/2021 | 10:49 GMT+7
Chương trình “Đào tạo, đào tạo lại nâng cao kỹ năng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” sẽ đào tạo thí điểm khoảng 4.800 người cho ít nhất 20 ngành, nghề ở trình độ cao đẳng và trung cấp ưu tiên cho lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ mới, công nghệ cao, những kỹ năng tương lai đáp ứng yêu cầu của cuộc CMCN 4.0.

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành quyết định số 1446/QĐ-TTg ngày 30/8/2021 phê duyệt chương trình “Đào tạo, đào tạo lại nâng cao kỹ năng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”.

Mục tiêu chung của chương trình là xây dựng mô hình đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực ở các trình độ giáo dục nghề nghiệp để có kiến thức, kỹ năng phù hợp, có thể tiếp thu, làm chủ, khai thác, vận hành hiệu quả những tiến bộ công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0); gắn kết, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp về nhân lực; góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia, sẵn sàng đón nhận làn sóng đầu tư FDI mới dịch chuyển vào Việt Nam.

Cụ thể, chương trình sẽ đào tạo các ngành nghề mới và các kỹ năng nghề mới cho ít nhất 20 ngành, nghề ở trình độ cao đẳng và trung cấp ưu tiên cho lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ mới, công nghệ cao, những kỹ năng tương lai đáp ứng yêu cầu của CMCN 4.0. Số lượng người học được đào tạo ít nhất ở mỗi ngành, nghề/trình độ là 120 người. Tổng số người học tham gia đào tạo thí điểm khoảng 4.800 người.

Đào tạo lại nâng cao kiến thức, kỹ năng gắn với chuyển đổi việc làm cho người lao động bị tác động của cuộc CMCN 4.0 cho ít nhất 300.000 lượt người với thời gian đào tạo, bồi dưỡng dưới 1 năm. Xác định ngành, nghề đào tạo, kỹ năng nghề và mô hình đào tạo mới trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp nhằm thích ứng với yêu cầu của cuộc CMCN 4.0 góp phần đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, đa dạng, linh hoạt đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của người dân.

Chương trình hướng tới mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực có thể tiếp thu, làm chủ, khai thác, vận hành hiệu quả những tiến bộ công nghệ của cuộc CMCN 4.0

Nhiệm vụ, giải pháp mà chương trình đưa ra là đánh giá, xác định nhu cầu đào tạo, đào tạo lại; xây dựng các chương trình đào tạo, đào tạo lại; nâng cao năng lực đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục nghề nghiệp và người dạy trong doanh nghiệp; lựa chọn các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp để đặt hàng đào tạo, đào tạo lại; tổ chức đào tạo, đào tạo lại; tổng kết, đánh giá kết quả đào tạo, đào tạo lại.

Trong đó, Nhà nước đặt hàng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được lựa chọn tham gia đào tạo hoặc đào tạo lại trong chương trình theo hình thức chính quy hoặc thường xuyên; đặt hàng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hoặc doanh nghiệp được lựa chọn để đào tạo, đào tạo lại trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo khác trong chương trình.

Xây dựng kế hoạch đào tạo có phân công trách nhiệm của cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp trong việc tổ chức thực hiện đào tạo, đào tạo lại; xây dựng, vận hành cổng thông tin điện tử để quản lý, kết nối các thành phần tham gia chương trình, phục vụ việc triển khai và quản lý, theo dõi chương trình hiệu quả.

Tổ chức đào tạo, đào tạo lại tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp hoặc tại doanh nghiệp hoặc kết hợp cả hai phương thức theo hình thức vừa học vừa làm. Thời gian đào tạo phù hợp theo tính chất của kỹ năng và mức độ thiếu hụt kiến thức, kỹ năng. Tăng cường việc gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp nhằm sử dụng có hiệu quả trang thiết bị và công nghệ của doanh nghiệp phục vụ cho công tác đào tạo, hình thành năng lực nghề nghiệp cho người học trong quá trình đào tạo và thực tập tại doanh nghiệp. Đồng thời, thực hiện việc tổ chức đào tạo, kiểm tra, đánh giá kết quả đào tạo theo quy định; thanh quyết toán theo số lượng và chất lượng người học tốt nghiệp.

Tùng Lâm