Văn hóa, du lịch

Nâng cao năng lực phát triển du lịch và lữ hành

Thứ tư, 10/1/2024 | 13:58 GMT+7
Theo Nghị quyết số 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024, Chính phủ đề ra mục tiêu đến năm 2025 phấn đấu tăng thứ hạng năng lực phát triển du lịch và lữ hành (TTDI).

Việc Chính phủ ban hành Nghị quyết 02 ngay từ đầu năm mới 2024 đặt mục tiêu nâng cao thứ hạng của năng lực phát triển du lịch và lữ hành nói chung và chỉ số "Mức độ ưu tiên cho du lịch và lữ hành", "Hạ tầng dịch vụ du lịch" nói riêng thể hiện sự quan tâm rất lớn của Chính phủ đến ngành du lịch và quyết tâm nâng cao năng lực, vị thế của du lịch Việt Nam, đẩy nhanh phục hồi và phát triển du lịch hiệu quả, bền vững.

Du lịch là 1 trong 7 mục tiêu phấn đấu nâng cao thứ hạng cạnh tranh đến năm 2025 bao gồm: phát triển bền vững (của Liên Hợp Quốc) thuộc nhóm 50 nước đứng đầu; năng lực đổi mới sáng tạo (của WIPO) tăng ít nhất 3 bậc; Chính phủ điện tử (của UN) tăng ít nhất 5 bậc; quyền tài sản (IPRI) của Liên minh quyền tài sản tăng ít nhất 2 bậc; hiệu quả logistics (LPI) của Ngân hàng Thế giới (WB) tăng ít nhất 4 bậc; năng lực phát triển du lịch và lữ hành (TTDI) của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) tăng ít nhất 2 bậc; an toàn an ninh mạng của ITU thuộc nhóm 30 nước đứng đầu.

Đẩy nhanh phục hồi và phát triển du lịch hiệu quả, bền vững

Về mục tiêu cụ thể trong năm 2024, đối với năng lực phát triển du lịch và lữ hành của Diễn đàn kinh tế thế giới, phấn đấu nâng xếp hạng nhóm chỉ số “Mức độ ưu tiên cho du lịch và lữ hành” lên ít nhất 5 bậc; nâng xếp hạng nhóm chỉ số “Hạ tầng dịch vụ du lịch” lên ít nhất 3 bậc.

Bộ Chỉ số năng lực cạnh tranh du lịch và lữ hành được thiết kế với 14 trụ cột và 90 chỉ số thành phần, được phân chia theo 4 nhóm gồm có: nhóm Môi trường hoạt động; nhóm Chính sách và tạo điều kiện cho du lịch và lữ hành; nhóm Cơ sở hạ tầng; nhóm Tài nguyên du lịch.

Sự hiện diện của nhiều chỉ tiêu liên quan đến du lịch cho thấy mức độ quan tâm lớn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với ngành kinh tế này. Năm 2023, lần đầu tiên Thủ tướng Chính phủ chủ trì 2 hội nghị toàn quốc về du lịch. Tháng 5/2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết 82/NQ-CP với 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững. Từ ngày 15/8/2023, Chính phủ chính thức áp dụng cấp thị thực điện tử cho công dân tất cả các nước và vùng lãnh thổ với thời hạn tạm trú lên đến 90 ngày; nâng thời hạn tạm trú lên đến 45 ngày cho công dân các nước được đơn phương miễn thị thực, qua đó tạo bước đột phá trong chính sách thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.

Trước đó, tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của ngành văn hóa, thể thao và du lịch, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cùng các ban, ngành liên quan tổ chức sơ kết việc thực hiện Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đổi mới mạnh mẽ phương thức, nội dung xúc tiến, quảng bá du lịch; phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh gắn với chuyển đổi số nhằm tăng cường kết nối hạ tầng dịch vụ, hỗ trợ và gia tăng trải nghiệm cho khách du lịch; tăng cường ứng dụng công nghệ xanh, sạch trong du lịch.

Phát triển du lịch theo hướng "Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện, đơn giản - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh sạch đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện". Tập trung triển khai các chương trình, chiến lược, đề án đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan để đề xuất những cơ chế, chính sách và giải pháp cụ thể nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, phát triển toàn diện, đồng bộ ngành du lịch (như về thuế, đất đai, tự chủ, cơ chế phối hợp…).

Phấn đấu trong năm 2024, ngành du lịch đón và phục vụ 18 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 110 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ du lịch ước đạt 850.000 tỷ đồng.

Thanh Tâm (T/H)