Kinh tế xanh

Nâng cao trách nhiệm của nhà sản xuất trong tái chế rác thải, bảo vệ môi trường

Thứ năm, 4/4/2024 | 16:18 GMT+7
Trong khuôn khổ Hội chợ Thương mại quốc tế Việt Nam lần thứ 33 (Vietnam Expo 2024) đang diễn ra tại Hà Nội, ngày 4/4, tọa đàm “Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất: Từ chính sách đến thực thi” thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia về trách nhiệm của nhà sản xuất trong tái chế, giảm thiểu rác thải gây ô nhiễm môi trường.

Tọa đàm được tổ chức nhằm tạo diễn đàn để các nhà hoạch định chính sách, tổ chức, doanh nghiệp cập nhật thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, đưa ra những khuyến nghị, giải pháp cũng như tạo dựng mối quan hệ hợp tác trong quá trình thực thi trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR).

EPR là nội dung có ý nghĩa đối với sự phát triển bền vững của các nhà sản xuất và doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường. Thực hiện EPR sẽ góp phần giữ gìn nguồn tài nguyên cho tương lai, giảm thiểu rác thải gây ô nhiễm môi trường, thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và góp phần hiện thực hóa cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 về đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Các chuyên gia cùng thảo luận về trách nhiệm của nhà sản xuất trong tái chế, giảm thiểu rác thải

Tại tọa đàm, các chuyên gia cùng thảo luận về trách nhiệm của nhà sản xuất trong tái chế, giảm thiểu rác thải gây ô nhiễm môi trường. Chia sẻ kinh nghiệm triển khai EPR từ quốc tế, ông Hoàng Thành Vĩnh, cán bộ chương trình phụ trách chất thải và kinh tế tuần hoàn, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) Việt Nam cho biết, Việt Nam là một trong những nước đầu tiên triển khai EPR. Thực tiễn tại Việt Nam và các nước trong khu vực nổi lên một số khó khăn, thách thức, trong đó Việt Nam thiếu cơ sở hạ tầng thu gom tốt, trong khi nhu cầu với các dòng tái chế như nhựa tái chế chưa cao, nhận thức về chất thải và quản lý chất thải còn hạn chế.

Theo chuyên gia UNDP, nguyên lý cơ bản để thực thi tốt EPR đó là cân bằng góc độ kinh tế trong hoạt động tái chế, nhằm giúp tạo động lực cho doanh nghiệp đi theo con đường tái chế và nâng cao nhận thức của cộng đồng về vấn đề này. Từ đó ông khuyến nghị, nhà nước cần đầu tư thêm nguồn lực để hỗ trợ hoạt động thu gom được tốt hơn, với mục tiêu tăng tỷ lệ tái chế và hàm lượng tái chế trong sản phẩm.

Công tác quản lý chất thải cũng cần được nâng cao, trong đó cần thúc đẩy các thiết kế hạ tầng thu gom chất thải, tái chế, tăng cường sự tham gia của cộng đồng, đẩy mạnh các mô hình đã được chứng minh có hiệu quả trong hoạt động thu gom, tái chế, song song với việc nâng cao nhận thức, góp phần giúp cộng đồng tiếp nhận mạnh mẽ hơn các sản phẩm tái chế.

Bà Quách Thị Xuân, điều phối viên Liên minh Không rác Việt Nam cũng khẳng định, quy định về EPR là công cụ bảo đảm các yếu tố ô nhiễm ngoại ứng được nội hóa vào chi phí sản xuất của doanh nghiệp. Để giúp doanh nghiệp hiểu đúng về EPR, cũng như xây dựng kế hoạch thực hiện EPR, liên minh đã có nhiều hoạt động như hỗ trợ các cơ quan chức năng xây dựng các dự thảo, tổ chức tham vấn các bên liên quan, tham gia công tác truyền thông cho doanh nghiệp và cộng đồng.

Đại diện Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thi cho biết, Chính phủ đã có những quy định về EPR, góp phần hỗ trợ nhà sản xuất, nhập khẩu, đặc biệt là các nhà nhập khẩu lớn trong thực thi các cam kết về FTA thế hệ mới, đáp ứng cam kết quốc tế về EPR.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã triển khai nhiều giải pháp, tổ chức các buổi tập huấn, tọa đàm để triển khai các quy định, tạo điều kiện cho doanh nghiệp theo tinh thần cải cách hành chính, giảm bớt gánh nặng tuân thủ pháp luật cho doanh nghiệp liên quan trách nhiệm bảo vệ môi trường.

Theo ông Nguyễn Thi, các quy định không yêu cầu doanh nghiệp tái chế quá sâu mà chỉ tới mức nguyên liệu, từ đó tiến tới mục tiêu thu gom để xử lý các bao bì sản phẩm, qua đó giúp doanh nghiệp có căn cứ xác định trách nhiệm của mình. Đại diện Vụ Pháp chế đề nghị các doanh nghiệp hỗ trợ thành lập một tổ chức độc lập để vận hành cơ chế EPR thay vì hoạt động kiêm nhiệm như hiện nay.

Gia Bách (T/H)