Kinh tế xanh

Nâng cao vai trò giới trong phát triển lâm nghiệp bền vững

Thứ sáu, 6/10/2023 | 15:10 GMT+7
Ngày 6/10, trong diễn đàn Thúc đẩy bình đẳng giới cho phát triển lâm nghiệp bền vững diễn ra tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định), các chuyên gia nhất trí khẳng định tầm quan trọng của phụ nữ và vấn đề giới trong phát triển ngành lâm nghiệp.

Theo nghiên cứu do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cơ quan Phát triển Đức (GIZ) phối hợp với Viện Lâm nghiệp châu Âu phối hợp thực hiện năm 2023, phụ nữ trong ngành lâm nghiệp thường ít có khả năng tiếp cận các cơ hội đào tạo về chuyên môn và kỹ thuật. Do đó, thu nhập của nữ giới thường thấp hơn nam giới, khoảng cách lương theo giới cũng lớn hơn đáng kể so với các ngành kinh tế và công nghiệp khác tại Việt Nam.

Với độ che phủ 42,02% tổng diện tích đất nước, rừng Việt Nam đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong thực hiện các chức năng kinh tế, xã hội, môi trường, an ninh quốc phòng. Rừng còn là bể chứa carbon tự nhiên, góp phần thực hiện mục tiêu giảm phát thải ròng bằng “0” của Việt Nam vào năm 2050. Ngành lâm nghiệp cũng là ngành kinh tế kỹ thuật mang lại cơ hội việc làm cho người dân.

Nghiên cứu cho thấy, các biện pháp bảo vệ rừng hạn chế khả năng tiếp cận đến rừng và lâm sản ngoài gỗ của người dân có thể có tác động tiêu cực không nhỏ lên sinh kế của phụ nữ và cuộc sống của gia đình họ, đặc biệt là đối với phụ nữ dân tộc thiểu số, các hộ gia đình nghèo, hộ gia đình do phụ nữ làm chủ hộ. Do đó, cần ưu tiên những nỗ lực nhằm thúc đẩy đảm bảo quyền sử dụng đất rừng cho phụ nữ, bởi việc tăng cường bình đẳng giới trong quyền sử dụng rừng sẽ bảo vệ “quyền sở hữu” của phụ nữ, giúp phụ nữ nông thôn đảm bảo thu nhập và nuôi sống gia đình từ lâm sản ngoài gỗ.

Quang cảnh diễn đàn

Phát biểu tại diễn đàn, ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nhận định, chuỗi các hoạt động lâm nghiệp bao gồm: quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng, chế biến, thương mại lâm sản... luôn tiềm ẩn và có thể xuất hiện sự bất bình đẳng trong phân công lao động, chênh lệch tiền lương, cơ hội việc làm; trong giao đất rừng, quyền sử dụng đất, lợi ích xã hội, môi trường lao động… Những bất bình đẳng này chủ yếu ảnh hưởng đến phụ nữ, do đó thực hiện bình đẳng giới trong ngành lâm nghiệp không chỉ quan trọng đối với sự phát triển bền vững của ngành mà còn đối với quốc gia. Theo đó, hiểu rõ vai trò, nhu cầu và kinh nghiệm khác nhau trong quản lý, bảo vệ rừng giữa nữ giới và nam giới là bước đầu quan trọng trong việc chuyển đổi ngành lâm nghiệp sang hướng bền vững, công bằng xã hội. Để đạt được điều này, môi trường xã hội, chính sách cần tạo cơ hội công bằng cho phát triển nghề nghiệp của cả phụ nữ và nam giới. Đặc biệt, cần nhiều nỗ lực hơn nữa để đảm bảo rằng cả hai giới đều nhận được lợi ích bình đẳng từ rừng.

Ông Santiago Alonso Rodriguez, Trưởng phòng Hợp tác phát triển, Đại sứ quán Đức tại Việt Nam khẳng định, bình đẳng giới không đơn thuần là vấn đề công bằng xã hội mà còn là yếu tố quan trọng đảm bảo sự tồn tại lâu dài, thành công của ngành lâm nghiệp. Việc thu hút sự tham gia của các giới từ nhiều tầng lớp xã hội khác nhau vào công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng sẽ giúp đảm bảo tính bền vững, giúp quá trình ra quyết định hiệu quả, bao trùm hơn.

Tại diễn đàn, các bên cùng thảo luận giải pháp cải thiện bình đẳng giới, đóng góp của bình đẳng giới vào phát triển lâm nghiệp bền vững như hoạt động nâng cao chất lượng rừng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu khi lồng ghép biện pháp đảm bảo an toàn xã hội, bình đẳng giới; tăng tỷ lệ phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo, đào tạo phụ nữ về kỹ thuật, quản lý. Các giải pháp hợp tác liên ngành, liên cấp và liên quốc gia cho vấn đề quan trọng liên quan đến bình đẳng giới đều hướng tới phương châm “Thúc đẩy bình đẳng giới vì ngành lâm nghiệp phát triển bền vững”.

Trong khuôn khổ sự kiện, ban tổ chức còn tổ chức trưng bày triển lãm ảnh “Lâm nghiệp qua góc nhìn phụ nữ” nhằm tôn vinh vai trò và những đóng góp đa dạng của phụ nữ trong lĩnh vực lâm nghiệp. Các bức ảnh thể hiện câu chuyện, góc nhìn, kinh nghiệm sống động từ hơn 10 gương mặt phụ nữ ưu tú trong ngành lâm nghiệp.

Gia Bách (T/H)