Kinh tế xanh

Xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn

Thứ ba, 12/9/2023 | 15:14 GMT+7
Tại cuộc họp xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn (KTTH) đến năm 2035 vừa diễn ra tại Hà Nội, nhiều ý kiến góp ý đã nhấn mạnh vấn đề khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu trong phát triển kinh tế bền vững.

Cuộc họp do Ban soạn thảo, tổ biên tập xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện KTTH đến năm 2035 chủ trì.

Với mục tiêu cụ thể đến năm 2035, Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện thực hiện KTTH được xây dựng nhằm tập trung thực hiện các chỉ tiêu về sử dụng hiệu quả tài nguyên, vật liệu, tiết kiệm năng lượng và phát triển năng lượng tái tạo; kéo dài vòng đời sản phẩm được hình thành từ nhựa; giảm chất thải rắn sinh hoạt phát sinh bình quân đầu người theo các năm; đạt hiệu quả kinh tế - xã hội, đổi mới sáng tạo và bền vững; đóng góp vào thực hiện thành công các chủ trương, chính sách, mục tiêu quan trọng đã được đề ra trong các văn kiện của Đảng, chiến lược, chương trình, quy hoạch, kế hoạch, đề án, chính sách và pháp luật của Nhà nước.

Kế hoạch dự kiến bao gồm 3 phần chính: các hoạt động về nhiệm vụ và ngành lĩnh vực ưu tiên làm cơ sở triển khai đồng bộ các hoạt động, nhiệm vụ tại Kế hoạch KTTH và định hướng, giải pháp ngành ưu tiên, trong đó có nhiệm vụ và giải pháp hành động theo 5 chủ đề, 17 nhóm nhiệm vụ, hoạt động và 54 nhiệm vụ liên quan đến xây dựng hoàn thiện thể chế, hỗ trợ các nhóm ngành, lĩnh vực ưu tiên thúc đẩy áp dụng KTTH. Định hướng triển khai thực hiện các nội dung về trách nhiệm xây dựng hoạt động, nhiệm vụ cụ thể của các Bộ, ngành và địa phương, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam triển khai thực hiện theo Kế hoạch thực hiện KTTH và bố trí nguồn vốn thực hiện hoạt động. Tổ chức thực hiện về điều phối, giám sát, đánh giá, báo cáo kết quả thực hiện KTTH, trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Cuộc họp xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện KTTH đến năm 2035

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường nhấn mạnh sự cần thiết phải xây dựng kế hoạch hành động quốc gia nhằm khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Ông Trịnh Quốc Vũ, đại diện Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương cho biết, liên quan đến thực hiện thúc đẩy KTTH quốc gia, hiện chưa có khuôn khổ pháp lý đầy đủ để quy định về các đối tượng trong KTTH, tuy nhiên đây lại là vấn đề được nhiều doanh nghiệp quan tâm. Do đó, cần thiết phải sớm xây dựng quy chuẩn hướng dẫn các tổ chức, đơn vị tự xây dựng mô hình liên kết, các chuỗi cung ứng và cần có những căn cứ pháp lý, tiêu chuẩn, quy chế đặc thù để thúc đẩy chương trình mô hình tiêu dùng bền vững.

Theo đại diện Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Anh Dương, việc xây dựng kế hoạch hành động KTTH cần có những mô hình điểm và cách làm hay để đạt hiệu quả đồng bộ trong phát triển bền vững. Theo đó, khi xây dựng kế hoạch hành động cần cân nhắc về cơ cấu tài chính, chú trọng phương hướng hành động và mục tiêu quốc gia để xây dựng các chỉ tiêu.

Các quan điểm xây dựng và tổ chức kế hoạch hành động cần có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ, bổ sung thêm các yếu tố về hợp tác quốc tế; cần nhấn mạnh quan điểm về việc kiến nghị Nhà nước tạo hành lang pháp lý về mặt KTTH để xây dựng chỉ tiêu phù hợp hơn; phải xác định mục tiêu cụ thể của kế hoạch theo đúng quan điểm của Luật và quy định hiện hành, bổ sung các nội dung về KTTH đảm bảo an sinh xã hội, xanh hóa ngành nghề cho các Bộ, ngành.

Sau khi lắng nghe những ý kiến góp ý từ các đại biểu tham gia cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh, KTTH là mô hình mang tính chất tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên và nguồn năng lượng nên phải xác định đây là một ngành, có ảnh hưởng đến kinh tế, xã hội và môi trường. Các Bộ, ngành cần căn cứ vào các nghị định, nghị quyết được Thủ tướng Chính phủ ban hành để thực hiện xây dựng chỉ tiêu đến năm 2030; phải lựa chọn vấn đề chủ chốt để tập trung nghiên cứu, xây dựng đồng bộ các kế hoạch, cơ chế để phát triển KTTH sao cho hiệu quả. Đặt mục tiêu đến năm 2024 phải ban hành được các Kế hoạch triển khai, mang tính bắt buộc. Qua đó, Thứ trưởng giao Ban soạn thảo, tổ biên tập Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường tiếp thu ý kiến, bổ sung những thiếu sót và rà soát một cách nghiêm túc để kịp ban hành Kế hoạch theo quyết định của Thủ tướng.

Ngọc Huyền (T/H)