Văn hóa, du lịch

Nâng cao vai trò và hoạt động của văn hóa trong đời sống nhân dân

Thứ năm, 9/9/2021 | 16:46 GMT+7
Ngày 9/9, Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) tổ chức Hội nghị triển khai chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2021 – 2026, trong đó có đề cập đến lĩnh vực văn hóa trong phát triển quốc gia.

Theo báo cáo của Bộ VHTT&DL, những năm qua, nhiều giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc được đề cao và phát huy. Các hoạt động văn hóa, văn học nghệ thuật ngày càng đa dạng và có chất lượng. Công tác xây dựng văn hóa cơ sở được quan tâm chú trọng. Công tác bảo vệ và phát huy di sản văn hóa đạt được kết quả quan trọng. Hội nhập và hợp tác quốc tế văn hóa được đẩy mạnh, giúp quảng bá hình ảnh đất nước, văn hóa và con người Việt Nam ra thế giới, hình thành nên sức mạnh mềm cho đất nước.

Ngành VHTT&DL đã thực hiện có hiệu quả công tác triển khai các nghị quyết, chỉ thị của Đảng trong lĩnh vực văn hóa. Trong đó tập trung hoàn thiện thể chế văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch; xây dựng môi trường văn hóa, lối sống, đạo đức xã hội lành mạnh, văn minh. Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

Hoàn thiện thể chế văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác VHTT&DL vẫn tồn tại một số vấn đề như: thể chế chưa theo kịp và đáp ứng yêu cầu phát triển, việc xây dựng một số cơ chế, chính sách về văn hóa, thể thao, du lịch còn chậm được điều chỉnh, bổ sung. Dịch vụ, sản phẩm văn hóa, thể thao còn chậm phát triển và có chất lượng thấp; thiếu các thương hiệu văn hóa, thể thao ở cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế. Khoảng cách thụ hưởng văn hóa, thể thao giữa miền núi, vùng sâu, vùng xa với đô thị và trong các tầng lớp nhân dân chậm được rút ngắn. Công tác kiểm soát chất lượng dịch vụ, quản lý môi trường du lịch cả về tự nhiên và xã hội tại một số địa phương chưa đảm bảo. Hiệu quả phát triển du lịch chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; năng lực cạnh tranh còn hạn chế, ấn chứa nhiều yếu tố thiếu bền vững.

Với thực trạng đó, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã đưa ra nhiều nhiệm vụ trong thời gian tới. Bao gồm: Bộ VHTT&DL cần tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt hơn nữa các chương trình hành động theo Nghị quyết Đại hội XIII và các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng. Tập trung nghiên cứu, hoàn thiện việc xây dựng hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực của con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế gắn liền với việc gìn giữ và phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam.

Bám sát yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của cả nhiệm kỳ, đẩy mạnh việc triển khai chủ trương của Đảng về phát triển công nghiệp văn hóa, đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường dịch vụ và sản phẩm văn hóa nhằm khai thác và phát huy những tiềm năng, giá trị đặc sắc của văn hóa Việt Nam, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra thế giới.

Phát huy những tiềm năng, giá trị đặc sắc của văn hóa Việt Nam

Tập trung nghiên cứu các giải pháp cụ thể nhằm xử lý hài hòa giữa phát triển hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng và chuyên nghiệp; tăng cường hơn nữa công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở gắn với đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Quan tâm đầu tư có trọng điểm, tạo sự đột phá về cơ sở vật chất, trang thiết bị đối với các thiết chế văn hóa, thể thao; nghiên cứu đầu tư một số công trình trọng điểm quốc gia tầm nhìn 2030, 2045 tương xứng với sự phát triển của đất nước.

Tiếp tục cụ thể hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc, bảo đảm sự hài hòa giữa bảo tồn di sản văn hóa với phát triển kinh tế, du lịch. Ngoài ra, tiếp tục chú trọng hơn nữa công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ văn nghệ sĩ, những tài năng nghệ thuật của đất nước; tạo mọi điều kiện thuận lợi để đội ngũ văn nghệ sĩ hoạt động, phát huy khả năng sáng tạo nghệ thuật, xây dựng các tác phẩm có chất lượng cao, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc…

Thời gian tới, Ban Tuyên giáo Trung ương cũng sẽ chủ động phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với Bộ VHTT&DL trên nhiều mặt công tác, trong đó có việc thực hiện hiệu quả Quyết định số 238 của Ban Bí thư về việc ban hành “Quy chế phối hợp giữa Ban Tuyên giáo các cấp với cơ quan nhà nước cùng cấp trong thực thi pháp luật, triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết các vấn đề nổi cộm, nhân dân quan tâm”.

Trước mắt, hai bên sẽ cùng tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc, dự kiến vào ngày 24/11/2021. Đây là hội nghị vô cùng quan trọng nhằm đánh giá kết quả thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng văn hóa, con người Việt Nam sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước. Qua đó, tiếp tục quán triệt sâu sắc các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam; thống nhất phương hướng, các nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn 2021 - 2026, tầm nhìn đến năm 2045.

Mỹ Dung (T/H)