Văn hóa, du lịch

Nghệ nhân A Biu – Người truyền cảm hứng văn hóa Ba Na ở Kon Tum

Thứ hai, 6/9/2021 | 01:03 GMT+7
NLSVN - Là nghệ nhân đa tài, giỏi các loại hình văn hoá đặc trưng của đồng bào Ba Na như kho tàng sử thi đồ sộ, biểu diễn điêu luyện các nhạc cụ truyền thống, là người có tiếng các loại nhạc cụ hiện đại, như ghita, organ, đàn tranh, đàn bầu… không ai là không biết đến A Biu.

Đến Plei Klếch (làng Klếch), xã Ngọc Bay, TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum, hỏi bất cứ người dân nào, từ trẻ nhỏ đến người già, ai ai cũng có thể chỉ một lèo đến thẳng nhà nghệ nhân A Biu.

Người tài hoa A Biu (thứ 2 từ trái qua) giới thiệu cồng chiêng của người Ba Na cho chúng tôi.

Người ta nói rằng, chỉ cần A Biu lướt nhẹ bàn tay trên những núm chiêng, sẽ khiến người nghe như cảm nhận thấy núi rừng rì rào, dòng suối, thác nước Tây Nguyên chảy rào rào qua các viền đá. Không chỉ thế, A Biu còn có tài “mê hoặc” người nghe bằng những bài sử thi Ba Na hùng tráng, những câu chuyện cổ Ba Na hấp dẫn,…

Trăm nghe không bằng một thấy, trong tiết trời thu gió nhè nhẹ chúng tôi đã may mắn đến được nhà nghệ nhân A Biu và nghe được tiếng đàn T’rưng tuy thanh thoát. Không cầu kỳ, phức tạp, đàn T’rưng tuy giản đơn nhưng lại tinh tế, khiến người nghe như hòa mình vào núi rừng, thác nước Tây Nguyên. Từng bậc âm thanh hòa tấu như mang cả hơi thở, nhịp sống hoang sơ của vạn vật đến bên ta.

Người tài hoa A Biu tâm sự, cồng chiêng là cội rễ, là tiếng nói tâm tình của người Ba Na. Nó là máu thịt, là tiếng nói tâm linh, là nơi truyền tải niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống, lao động và sinh hoạt hằng ngày. Người ta lấy chiêng ra để thay lời muốn nói, tâm sự với nhau trong cả lúc vui lẫn khi buồn. Nói thương nhau, giận nhau cũng bằng tiếng cồng chiêng. Hơn nữa, cồng chiêng còn là sợi dây gắn kết vững chắc giữa các thành viên trong gia đình, dòng tộc, các buôn làng.

A Biu có một tình yêu đặc biệt với văn hóa truyền thống dân tộc Ba Na và mong muốn cháy bỏng bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc mình ngay trong cuộc sống đời thường. Để lan tỏa tình yêu ấy đến với mọi người, A Biu đã xây dựng mô hình du lịch cộng đồng để du khách trong và ngoài nước có cơ hội trải nghiệm văn hóa Ba Na.

Mô hình du lịch cộng đồng A Biu đã trở thành khu du lịch nổi tiếng ở Kon Tum. Nơi đây hội tụ đầy đủ những nét đặc trưng, mang đậm chất của người Ba Na như, ngôi nhà sàn truyền thống, cây nêu, máng nước, nhà sàn, cồng, chiêng, chóe, cung tên, giáo mác… Một khoảng sân trước nhà, do bàn tay tài hoa của A Biu cải tạo thành "sân khấu" biểu diễn cồng chiêng, múa xoang, đốt lửa trại,…

Đến đây, du khách sẽ được hóa thân thành những chàng trai, cô gái trong trang phục thổ cẩm truyền thống của đồng bào Ba Na và trải nghiệm đánh đàn T’rưng, múa xoang, đánh cồng, chơi chiêng… dưới sự hướng dẫn của A Biu. Đồng thời, du khách còn được thưởng thức ẩm thực truyền thống của người Ba Na do chính người trong gia đình A Biu chế biến mang hương vị đặc trưng của người Ba Na như gà nướng, cơm lam, măng chua, cà đắng trộn…

Nghệ nhân A Biu có tình yêu đặc biệt với văn hóa cồng chiêng. Với quan niệm để tình yêu ấy có thể lan tỏa, thu hút cộng đồng, hàng chục năm qua nghệ nhân A Biu dành nhiều tâm sức tìm hiểu, nghiên cứu nắm bắt được hồn cốt của văn hóa cồng chiêng.

Cồng chiêng là cội rễ, là tiếng nói tâm tình của người Ba Na được nghệ nhân A Biu biểu diễn phục vụ du khách.

A Biu đã tự tìm thầy học hỏi và bằng sáng tạo của riêng mình làm chủ nghệ thuật chỉnh chiêng, dành nhiều thời gian đến các làng, các trường phổ thông trên địa bàn, tổ chức lớp dạy kỹ năng, kỹ thuật diễn tấu cồng chiêng, chỉnh chiêng, múa xoang cho lớp trẻ.

Bằng sự sáng tạo, bàn tay khéo léo và tâm hồn phóng khoáng, nghệ nhân A Biu và bà con nơi đây đã mang cả âm thanh của không gian núi rừng vào từng nhạc cụ, biến tấu và hình thành nét văn hóa đặc sắc riêng, đậm đà bản sắc dân tộc.

Cùng tình yêu đặc biệt với văn hóa truyền thống dân tộc Ba Na, mong muốn cháy bỏng bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc mình ngay trong cuộc sống đời thường, nghệ nhân A Biu luôn cố gắng mang văn hóa Ba Na đến gần hơn với con cháu trong nhà, đồng bào trong buôn làng và cả du khách phương xa.

Nghệ nhân A Biu cũng là một trong số những nghệ nhân có nhiều đóng góp nhất trong Ðề án "Bảo tồn, phát huy di sản không gian văn hóa cồng chiêng tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021 - 2025" của tỉnh. Người tạo cảm hứng và truyền lửa cho các làng du lịch cộng đồng ở Kon Tum nói riêng và Tây Nguyên nói chung. Hiện nay ở Kon Tum đã hình thành các làng du lịch cộng đồng như làng Long Loi ở Đăk Hà, làng Kon Pring ở Kon Plong…

Đến đây, du khách sẽ được hóa thân thành người phụ nữ Ba Na vô cùng ấn tượng.

Với niềm đam mê cháy bỏng, nghệ nhân A Biu sẵn sàng phục vụ dù chỉ một người khách nếu người khách đó hiểu chuyện thì có thể thành bạn tâm giao và nâng lên tầm tri kỷ. Mong rằng, với bằng tay tài hoa của A Biu sẽ truyền tải được xa hơn nữa những văn hóa của người Ba Na và là sợi dây gắn kết giữa các dân tộc ta.

Đoàn Vĩnh - Huỳnh Yên