Nông nghiệp sạch

Ngân hàng Thế giới hỗ trợ chuyển đổi nông nghiệp xanh ở Việt Nam

Thứ hai, 26/9/2022 | 17:00 GMT+7
Mới đây, Ngân hàng Thế giới (WB) đã công bố báo cáo “Hướng tới chuyển đổi nông nghiệp xanh ở Việt Nam: Chuyển sang mô hình lúa gạo carbon thấp”.

Theo báo cáo, việc chuyển sang phương thức trồng lúa giảm phát thải là giải pháp tiềm năng nhất để Việt Nam đạt mục tiêu cắt giảm 30% lượng khí metan vào năm 2030, đồng thời tăng khả năng cạnh tranh của ngành hàng xuất khẩu chiến lược này.

Phát biểu tại hội thảo công bố báo cáo, bà Carolyn Turk, Giám đốc quốc gia của WB tại Việt Nam nhận định: Ngành nông nghiệp Việt Nam dù đạt rất nhiều thành tựu nhưng cũng là nhân tố chính trong việc phát thải khí nhà kính. Vì vậy, đã đến lúc Việt Nam phải chuyển đổi sang phương thức canh tác carbon thấp. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, Chính phủ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh thông qua phân bổ đầu tư công một cách chiến lược và tăng cường môi trường thuận lợi cho sự tham gia của khu vực tư nhân trong lĩnh vực nông nghiệp xanh và hiện đại.

Báo cáo cũng chỉ ra rằng, lúa gạo là mặt hàng nông nghiệp quan trọng nhất của Việt Nam và được trồng trên hơn một nửa diện tích đất nông nghiệp. Sản xuất lúa gạo hiện chiếm 48% lượng phát thải khí nhà kính của ngành nông nghiệp và hơn 75% lượng khí thải metan.

Tạo điều kiện để chuyển sang mô hình lúa gạo carbon thấp tại Việt Nam

Năm nguyên nhân chính làm tăng phát thải khí nhà kính bao gồm: thâm canh nông nghiệp không bền vững và chặt phá rừng; tỷ lệ bón phân cao; mức độ sử dụng nước cao cho tưới tiêu; quản lý không đúng cách phụ phẩm lúa như rơm rạ và trấu; sử dụng năng lượng kém hiệu quả trong nông nghiệp.

Mặt khác, biến đổi khí hậu đang là mối đe dọa lớn gây ra các hiện tượng thời tiết cực đoan và thường xuyên hơn ở Việt Nam, như lũ lụt và các đợt rét đậm rét hại ở Bắc Trung Bộ và duyên hải Bắc Trung Bộ, xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long và hạn hán ở Tây Nguyên. Do đó, việc tạo điều kiện cho nông nghiệp Việt Nam chuyển đổi sang bền vững hơn, carbon thấp là cần thiết và ngày càng cấp bách.

Theo báo cáo, giải pháp chính giúp cắt giảm lượng khí thải trong ngành lúa gạo phù hợp với Việt Nam là cải thiện hệ thống tưới tiêu, quản lý nước nông nghiệp (AWD), quản lý đầu vào, áp dụng 1 phải 5 giảm (phải sử dụng hạt giống được chứng nhận; giảm lượng hạt giống, phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, giảm lượng nước được sử dụng và giảm thất thoát sau thu hoạch).

Báo cáo nhấn mạnh, việc thúc đẩy áp dụng các công nghệ hiện đại để có thể bao phủ 1,9 triệu ha sản xuất lúa ở đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Hồng trong thập kỷ tới là một giải pháp quan trọng để giảm phát thải khí nhà kính từ lúa gạo.

Bên cạnh đó, một số giải pháp quan trọng khác như: mở rộng quy mô sử dụng các công nghệ kỹ thuật số thích hợp; chuyển từ độc canh sản xuất lúa ở những vùng đất không thuận lợi/không phù hợp sang các mặt hàng khác như nuôi trồng thủy sản, nuôi tôm, hay trồng trái cây và rau màu; thúc đẩy các thực hành sau thu hoạch bền vững như giảm đốt rơm rạ/trấu, cải thiện cơ sở hạ tầng sấy và xay lúa, giảm cường độ sử dụng năng lượng không thể tái sinh.

Ngoài ra, ngành nông nghiệp cần thúc đẩy việc áp dụng công nghệ nông nghiệp thông minh với khí hậu, góp phần làm giảm hơn nữa lượng khí thải, mang lại cùng lúc nhiều lợi ích như xây dựng khả năng chống chịu và thích ứng của nông dân đối với tác động của biến đổi khí hậu.

Theo ông Benoit Bosquet, Giám đốc khu vực về phát triển bền vững của WB, nếu mở rộng quy mô áp dụng những phương pháp này trên toàn ngành nông nghiệp sẽ giúp Việt Nam tiến dần tới mục tiêu phát thải khí nhà kính bằng 0 vào năm 2050. Việt Nam hoàn toàn có thể chuyển sang sản xuất lúa carbon thấp, các kịch bản tầm trung và cao sẽ mang lại mức giảm phát thải lớn hơn, nhưng phải đảm bảo một số nguồn hỗ trợ của quốc tế cũng như khu vực tư nhân.

Bà Carolyn Turk cho biết thêm, WB đã đồng ý phát triển một dự án mới ở đồng bằng sông Cửu Long nhằm hỗ trợ giải quyết các thách thức về quản lý tài nguyên nước và xây dựng sinh kế nông nghiệp trong thời kỳ biến đổi khí hậu. Trong thời gian tới, WB sẽ phối hợp với các bên liên quan cùng thiết kế chương trình tích hợp, dài hạn về khả năng chống chịu với khí hậu và phát triển bền vững cho đồng bằng sông Cửu Long.

Khả Như