Nông nghiệp sạch

Ngành mía đường: Cần đồng bộ các giải pháp để sản xuất an toàn, cung ứng bền vững

Thứ sáu, 12/11/2021 | 15:00 GMT+7
Ngành mía đường Việt Nam những năm gần đây ghi nhận sự sụt giảm trong năng suất vùng trồng và cơ sở chế biến. Để khắc phục tình trạng này, giúp ngành sản xuất an toàn, cung ứng bền vững cần đồng bộ các giải pháp từ khâu chính sách, canh tác đến thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Theo báo cáo của Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, ngành đường Việt Nam hiện đã hoàn thành niên vụ mía 2020 - 2021. Toàn ngành đã ép được 6.739.417 tấn mía, đạt sản lượng 689.830 tấn đường, thấp hơn niên vụ 2019 – 2020 về sản lượng nhưng cao hơn về giá trị.

Cụ thể, giá đường trong nước đã và đang tăng giá, dần tiếp cận với giá đường các nước trong khu vực. Theo thông tin mới nhất từ một số doanh nghiệp, giá đường trắng nhập khẩu tại cảng Hải Phòng dao động từ 18.300 - 18.500 đồng/kg, tại miền Nam là 18.700 - 18.900 đồng/kg; giá lẻ tại các nhà máy là từ 19.000 - 19.100 đồng/kg với đường trắng, 19.500 - 19.600 đồng/kg với đường tinh luyện.

Nhằm tháo gỡ khó khăn, nâng cao sức cạnh tranh, góp phần phát triển bền vững ngành mía đường Việt Nam, mới đây UBND tỉnh Phú Yên đã tổ chức hội thảo với chủ đề "Để mía không đắng" với sự tham dự của các đại biểu, chuyên gia trong lĩnh vực mía đường trên cả nước.

Đẩy mạnh phát triển ngành mía đường Việt Nam

Phát biểu tại hội thảo, TS. Cao Anh Đương, quyền Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu mía đường nhận xét, việc Việt Nam gặp tác động kép của biến đổi khí hậu, miền Tây hạn mặn, miền Trung khô cạn đã khiến diện tích mía 3 niên vụ gần đây giảm liên tiếp.

Do đó, để phục hồi, phát triển, nâng cao năng suất và chất lượng ngành mía đường, TS. Cao Anh Đương đề xuất, cần tập trung khâu trồng mới đúng kỹ thuật, cơ giới hóa trong canh tác mía để giảm giá thành, nâng cao hiệu quả trồng mía; cần chăm sóc kịp thời, đúng yêu cầu kỹ thuật về mật độ trồng, làm cỏ, sử dụng phương pháp tiên tiến trong bón phân, phòng trừ sâu bệnh, chống chịu hạn.

Dưới góc độ doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh sản phẩm đường, ông Nguyễn Thanh Ngữ, Tổng giám đốc Công ty CP Thành Thành Công - Biên Hòa cho biết, cần giải quyết đồng bộ, căn cơ từ bài toán nguyên liệu đầu vào đến phát triển sản phẩm đầu ra, làm sao để sản xuất an toàn, cung ứng bền vững. Ngoài ra, cần giải quyết tốt bài toán thị trường, làm thương hiệu: xây dựng kênh phân phối toàn diện từ sản xuất đến tiêu dùng, bán lẻ để tiết giảm khâu trung gian, chi phí cho người trồng mía, doanh nghiệp; tìm hiểu cơ hội tiềm năng của thị trường xuất khẩu, ví dụ như xuất khẩu đường hữu cơ, đường phèn.

Theo dõi hội thảo qua hình thức trực tuyến, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh chia sẻ, trong suốt 25 năm qua, Bộ Công Thương đã chủ động hỗ trợ và đồng hành với doanh nghiệp và người nông dân với mục tiêu cao nhất là phải tiêu thụ hết mía cho nông dân, bảo đảm vụ mùa có lời. Quan điểm của Bộ là lập lại trật tự kinh doanh công bằng trên thị trường mía đường với 4 nhóm lợi ích hợp pháp: lợi ích cho người trồng mía; lợi ích của nhà máy đường; lợi ích của cơ sở sản xuất thực phẩm và thực phẩm chế biến đang sử dụng đường; lợi ích của người tiêu dùng Việt Nam.

Trước những đóng góp ý kiến của các chuyên gia để phát triển hơn nữa ngành mía đường Việt Nam trong thời gian tới, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhận định, phải cân đối được giữa quyền và lợi ích hợp pháp. Đặc biệt, cần tách bạch ngành mía với ngành đường, không đánh đồng vì bản chất hai ngành khác nhau, không nhất thiết phụ thuộc lẫn nhau. Với riêng ngành đường, cần phải đồng hành với nông dân, doanh nghiệp để đưa ra giá mua hợp lý cho người nông dân, cũng như cần nhìn nhận lại bản chất vấn đề, nguyên nhân gây cản trở để có hướng đi đúng đắn hơn, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả của ngành.

Huyền Dung (T/H)