Ngành thủy sản nỗ lực giảm thiểu rác thải nhựa đại dương

Thứ tư, 3/4/2024 | 16:22 GMT+7
Tại Hà Nội, Cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa phối hợp tổ chức Diễn đàn thường niên về rác thải nhựa đại dương ngành thủy sản năm 2024.

Tại diễn đàn, Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân cho biết, bên cạnh sự tăng trưởng nhanh và phát triển mạnh mẽ với nhiều thành tựu trong sản xuất, xuất khẩu và cung ứng hàng hóa nội địa, ngành thủy sản Việt Nam đang phải đối mặt với không ít vấn đề về môi trường. Rác thải nhựa đại dương là một vấn đề môi trường nóng của Việt Nam hiện nay, do đó ngành thủy sản cũng đang có nhiều hành động thiết thực trong quản lý, nhằm chung tay giảm các tác động của nhựa tới môi trường.

Bà Nguyễn Thị Phương Dung, Trưởng phòng Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế, Cục Thủy sản chia sẻ, Bộ NN&PTNT đã ban hành Quyết định số 687/QĐ-BNN-TCTS phê duyệt Kế hoạch hành động quản lý rác thải nhựa đại dương ngành thủy sản giai đoạn 2020 – 2030, với mục tiêu hướng đến giảm thiểu rác thải nhựa trong sản xuất ngành thủy sản, từng bước quản lý rác thải nhựa đại dương theo tiếp cận từ đầu nguồn tới đại dương, kinh tế tuần hoàn và phát triển kinh tế xanh; nâng cao ý thức, trách nhiệm xã hội của cộng đồng nông, ngư dân, các doanh nghiệp về rác thải nhựa, góp phần thực hiện thành công mục tiêu của Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn.

Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương ngành thủy sản

Cụ thể, trong giai đoạn 2021 – 2025, ngành thủy sản phấn đấu nâng cao nhận thức của các bên liên quan về việc giảm thiểu rác thải nhựa; giảm thiểu sử dụng loại vật tư, dụng cụ chuyên dùng bằng nhựa dùng một lần; nâng cao tỷ lệ thu gom, phân loại, tái sử dụng, xử lý rác thải nhựa từ hoạt động sản xuất thủy sản. 100% khu bảo tồn biển xây dựng kế hoạch giám sát và tổ chức thu gom, phân loại rác thải nhựa chuyển các đơn vị có chức năng xử lý; xây dựng cơ sở dữ liệu về rác thải nhựa đại dương ngành thủy sản.

Giai đoạn 2026 – 2030, nâng cao nhận thức của các bên liên quan về việc giảm thiểu rác thải nhựa trong ngành thủy sản; trong đó giảm sử dụng loại vật tư, dụng cụ chuyên dùng bằng nhựa dùng một lần. Nâng cao tỷ lệ thu gom, phân loại, tái sử dụng, xử lý rác thải nhựa từ các hoạt động sản xuất thủy sản; hoàn thiện cơ sở dữ liệu về rác thải nhựa đại dương ngành thủy sản.

Bà Nguyễn Thị Diệu Thúy, Giám đốc Chương trình giảm nhựa, Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF Việt Nam) chia sẻ nhiều hoạt động giảm thiểu rác thải nhựa đại dương của Tổ chức thời gian qua. Đồng thời, cho biết thông tin về một số mô hình quản lý rác thải nhựa đại dương đã được triển khai tại các địa phương Việt Nam như: mô hình đoàn tàu cá chống rác thải nhựa đại dương ở Phú Quốc; mô hình thí điểm quản lý rác thải nhựa cho tàu cá, cảng cá thực hiện Phụ lục V Công ước Marpol tại Đà Nẵng; thí điểm mô hình ngư dân thu gom rác về bờ tại Đồng Hới (Quảng Bình)…

Bà Nguyễn Thị Diệu Thúy cũng thông tin về những kế hoạch của WWF Việt Nam trong giai đoạn 2024 – 2025 gồm: tập trung triển khai thí điểm mô hình thực nghiệm công cụ kinh tế nhằm thu gom rác thải nhựa từ tàu cá tại cảng cá An Thới; tiếp tục hỗ trợ các địa phương WWF đang triển khai những dự án về rác thải nhựa; thúc đẩy việc kết nối, chia sẻ sáng kiến, kinh nghiệm về quản lý, giảm thiểu rác thải nhựa tại các địa phương ven biển qua nhiều hình thức truyền thông, giáo dục, hội thảo, tham quan học tập...; lồng ghép hoạt động giảm thiểu rác thải nhựa vào những dự án bảo tồn biển.

Theo điều phối viên quốc gia Chương trình tài trợ các dự án nhỏ, Quỹ môi trường toàn cầu, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) Nguyễn Thị Thu Huyền, những tồn tại trong quản lý rác thải và rác thải nhựa là sự rời rạc, không khoa học; thiếu nguồn lực, thiếu kết nối; thiếu sự tham gia của cộng đồng... Do đó, giải pháp cho vấn đề này là phải huy động, kết nối nhiều bên tham gia và quản lý rác từ nguồn, theo cụ thể đường đi của rác...

Thanh Bảo (T/H)