Nghệ An phòng, chống tội phạm về đa dạng sinh học

Thứ ba, 11/6/2024 | 16:29 GMT+7
Mới đây, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Kế hoạch số 427/KH-UBND thực hiện đề án Tăng cường phòng, chống tội phạm về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh.

Kế hoạch nhằm mục tiêu tổ chức thực hiện có hiệu quả Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành pháp luật về đa dạng sinh học, góp phần bảo tồn hệ sinh thái, hệ động, thực vật, nguồn gene…

Hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến tội phạm trong bảo vệ đa dạng sinh học; đảm bảo tính thống nhất, hiệu quả và phù hợp với các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên. Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các hành vi phạm tội, vi phạm pháp luật có liên quan đến tội phạm trong bảo vệ đa dạng sinh học, góp phần đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội và phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Bảo vệ đa dạng sinh học

Xây dựng đội ngũ cán bộ có trình độ, năng lực, trách nhiệm, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; hiện đại hóa cơ sở vật chất, kỹ thuật đáp ứng yêu cầu công tác phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến tội phạm về đa dạng sinh học. Tiếp tục mở rộng hợp tác với cơ quan thực thi pháp luật các quốc gia, vùng lãnh thổ và tổ chức quốc tế nhằm huy động mọi nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến tội phạm trong bảo vệ đa dạng sinh học.

Theo kế hoạch, các cơ quan, tổ chức, cá nhân cần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm trong việc chấp hành pháp luật về đa dạng sinh học; cần đổi mới công tác tuyên truyền phòng, chống tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến tội phạm trong bảo vệ đa dạng sinh học, có hình thức phù hợp để đấu tranh, phê phán mạnh mẽ các hành vi gây tác động xấu đến môi trường, thiên nhiên; bài trừ thói quen, sở thích sử dụng các loài hoang dã làm trang sức, thực phẩm, thuốc chữa bệnh... Công khai thông tin về kết quả xử lý tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến tội phạm trong bảo vệ đa dạng sinh học theo quy định pháp luật; tôn vinh tấm gương, mô hình hoạt động hiệu quả về bảo tồn, sử dụng bền vững đa dạng sinh học, điển hình tiên tiến trong phòng, chống tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến tội phạm trong bảo vệ đa dạng sinh học.

Thường xuyên mở lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên sâu cho các lực lượng chức năng liên quan đến quản lý, bảo tồn đa dạng sinh học; tập trung trang bị kiến thức, kỹ năng và yêu cầu về bảo vệ đa dạng sinh học cho nguời dân, nhất là người có uy tín trong xã hội và đội ngũ hướng dẫn viên du lịch để làm hạt nhân tuyên truyền đến mọi tầng lớp xã hội.

Đến năm 2030, chú trọng đào tạo, huấn luyện năng lực nghiệp vụ, nâng cao ý thức trách nhiệm cho cán bộ thực hiện công tác phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến bảo vệ đa dạng sinh học; huấn luyện kiến thức, kỹ năng sử dụng trang thiết bị, phương tiện, kỹ thuật, quy trình, cách thức lấy mẫu giám định và phương pháp bảo quản, lưu giữ tang vật.

Ưu tiên bố trí nhân lực, từng bước đầu tư phương tiện, kỹ thuật hiện đại phục vụ công tác phòng, chống tội phạm có liên quan đến tội phạm trong bảo vệ đa dạng sinh học. Xây dựng trung tâm xử lý thông tin và cơ sở dữ liệu về tội phạm, các hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến tội phạm trong bảo vệ đa dạng sinh học. Thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận thông tin về hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến bảo vệ đa dạng sinh học. Ứng dụng khoa học công nghệ trong phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh và xử lý tội phạm, hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến tội phạm trong bảo vệ đa dạng sinh học…

Gia Bảo