PVN thực hiện 5 nhóm giải pháp ứng phó giá dầu giảm sâu

Thứ tư, 22/4/2020 | 16:13 GMT+7
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã có nhiều kịch bản ứng phó với tình hình giá dầu giảm sâu nhằm đảm bảo kế hoạch sản xuất kinh doanh.

Ngay từ khi dịch bệnh có nguy cơ xảy ra cùng tác động kép của khủng hoảng giá dầu từ cuối tháng 1 và đầu tháng 2/2020, PVN đã chủ động tập trung nghiên cứu, đánh giá tác động của dịch bệnh Covid-19 và khủng hoảng về giảm giá dầu để xây dựng, triển khai đồng bộ 5 nhóm giải pháp ứng phó (bao gồm các giải pháp về quản trị, đầu tư, tài chính, thị trường và cơ chế chính sách).

Nhóm giải pháp về quản trị: toàn ngành tập trung chỉ đạo sản xuất, kinh doanh, cắt giảm tối đa chi phí sản xuất kinh doanh (tối thiểu 15%), giảm lương (10 - 20%), giảm hội họp, giao lưu... tăng cường quản trị chi phí tối ưu, triển khai áp dụng các công cụ, giải pháp nhằm giảm chi phí, tiết kiệm thời gian và nâng cao năng suất lao động.

Nhóm giải pháp về tài chính: đánh giá tác động dòng tiền, có phương án hạn chế tác động và tận dụng cơ hội tối ưu, tái cơ cấu nguồn vốn, giảm chi phí vốn; tiết giảm chi phí lãi vay; huy động vốn vay; tăng cường quản lý thu hồi công nợ; cơ cấu lại các khoản nợ; đàm phán điều chỉnh lãi vay…

Nhóm giải pháp về đầu tư: cập nhật, đánh giá, phân loại xác định nhóm các dự án ưu tiên; phân kỳ đầu tư, điều chỉnh tiến độ hợp lý; giãn dừng các dự án chưa thực sự quan trọng; tăng cường kiểm soát các hợp đồng; tìm kiếm cơ hội đầu tư mua mỏ tận dụng giá dầu thấp…

Nhóm giải pháp về thị trường: bám sát diễn biến cung cầu, giá dầu thô và sản phẩm để có giải pháp kịp thời; đa dạng hóa kênh phân phối, tăng thị phần bán lẻ; xây dựng chính sách bán hàng linh động; mở rộng và tích hợp hệ thống phân phối để chia sẻ, tiết giảm chi phí; tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp trong nước có ngành nghề kinh doanh liên quan đến sản phẩm của đơn vị mình cung cấp; song song kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành xem xét có các chỉ đạo định hướng cân đối cung cầu, khuyến khích sản xuất trong nước, xử lý gian lận thương mại…

Nhóm giải pháp về cơ chế chính sách: báo cáo kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành xem xét điều chỉnh sửa đổi một số chính sách thuế để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn…

Tập đoàn đã thành lập Ban Chỉ đạo và nhiều tổ chuyên môn để cập nhật hàng ngày tình hình diễn biến thị trường, tình hình sản xuất kinh doanh để kịp thời ứng phó khó khăn với dịch bệnh Covid-19 và giá dầu sụt giảm. PVN đã có báo cáo Chính phủ và các bộ, ngành liên quan.

Giá dầu giảm sâu khiến nộp ngân sách toàn PVN sẽ giảm khoảng 18,6 nghìn tỷ đồng

Tuy nhiên, để hỗ trợ ngành công nghiệp mũi nhọn của nền kinh tế vượt qua khó khăn về giá dầu và tác động của dịch bệnh như hiện nay, PVN cho rằng cùng với nỗ lực của doanh nghiệp thì sự trợ sức của Chính phủ là rất quan trọng.

Theo đó, PVN đề xuất một số giải pháp. Giải pháp hỗ trợ ngày tài chính bằng các khoản vay giá rẻ về vốn lưu động cho PVN và các đơn vị thành viên của PVN. Giãn khoản nợ vay tại các dự án/doanh nghiệp khó khăn của ngành.

Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng nhà nước Việt Nam cho phép PVN và các đơn vị thành viên được sử dụng khoản tiền gửi của PVN và các đơn vị thành viên tại Ocean Bank hoặc cho phép được sử dụng khoản tiền này để thanh toán các nghĩa vụ nộp ngân sách Nhà nước.

Điều tiết thị trường bán lẻ xăng dầu, xem xét tạm dừng nhập khẩu xăng dầu, xem xét cân đối cung cầu giữa sản xuất trong nước và nhập khẩu, điều hành giá xăng dầu ở mức hợp lý để duy trì hoạt động cho chuỗi sản xuất kinh doanh từ khai thác đến chế biến, cung ứng sản phẩm để cứu nền kinh tế chung của đất nước, duy trì công ăn việc làm của người lao động.

Chính phủ chỉ đạo tăng cường hợp tác trong khâu phân phối sản phẩm giữa các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước cùng phân phối tiêu thụ sản phẩm như PVN, Petrolimex, Vinachem…

Đồng thời, áp dụng một số giải pháp thuế trong giai đoạn hiện nay. Đưa sản phẩm phân bón vào diện sản phẩm phải chịu thuế VAT với mức thuế suất 0%; đưa sản phẩm xăng dầu được chế biến từ tài nguyên dầu thô khi xuất khẩu được vào chịu thuế VAT. Xem xét bỏ quy định về thuế suất thuế xuất khẩu đối với sản phẩm phân bón.

Anh Thư