PVOIL hạn chế tối đa thiệt hại do giá dầu lao dốc và ảnh hưởng dịch bệnh

Thứ hai, 11/5/2020 | 14:33 GMT+7
Tác động trực tiếp của dịch bệnh đối với Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) là tác động “kép”: giá dầu thô và giá các sản phẩm xăng dầu lao dốc; đồng thời, nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong nước giảm mạnh.

Tính từ đầu năm, giá bán lẻ xăng dầu trong nước đã có 8 lần liên tiếp điều chỉnh giảm: từ hơn 20 nghìn đồng/lít xăng vào đầu tháng 2, nay chỉ còn trên dưới 10 nghìn đồng/lít. Hiện giá bán lẻ đang ở mức kỷ lục thấp nhất trong vòng 13 năm qua. Giá bán lẻ điều chỉnh giảm tới 50% so với thời điểm sau Tết Nguyên đán trong khi PVOIL vẫn phải duy trì lượng hàng tồn kho theo quy định. Phải mua vào khi giá cao và bán ra khi giá thấp dẫn đến khoản lỗ tồn kho nặng nề, cùng với sản lượng kinh doanh sụt giảm tới 20% so với kế hoạch dẫn đến giá thành tăng nên lũy kế 4 tháng đầu năm lợi nhuận trước thuế hợp nhất của Tổng công ty đã bị lỗ 435 tỷ đồng.

Thời gian qua, PVOIL đã áp dụng mọi giải pháp điều hành hợp lý nhất để hạn chế tối đa ảnh hưởng trong điều kiện kinh doanh nhiều bất lợi. Cụ thể, PVOIL đã kiểm soát chặt chẽ lượng hàng tồn kho bằng cách linh hoạt trong các khâu tạo nguồn, đàm phán kịp thời với nhà cung cấp để giảm/giãn tiến độ nhận hàng; đồng thời, kịp thời động viên và có chính sách khuyến khích để các đơn vị kinh doanh nhanh chóng đẩy hàng ra thị trường; tối ưu hiệu quả kinh doanh trong toàn bộ các khâu pha chế, vận chuyển, giao nhận, tồn chứa.

Hội nghị sơ kết hoạt động sản xuất kinh doanh 4 tháng đầu năm 2020 của PVOIL

Với phương châm “thắt lưng buộc bụng”, PVOIL xây dựng và thực hiện triệt để kế hoạch tiết giảm chi phí: giãn/ giảm các chi phí không trực tiếp liên quan đến sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, tất cả lãnh đạo và người lao động cùng đồng thuận giảm lương tháng tới 25% nhằm chia sẻ khó khăn với công ty. Sau 4 tháng, Công ty mẹ - Tổng công ty tiết giảm được gần 100 tỷ đồng, tương đương với 24% kế hoạch chi phí. Đây là mức tiết giảm vượt xa so với mục tiêu đặt ra là giảm 16%.

Đánh giá, cập nhật tình hình dịch bệnh Covid-19 hiện nay, PVOIL đã dự trù 2 kịch bản để tiếp tục điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh cho phù hợp hơn với diễn biến thực tế. Kịch bản 1 là dịch bệnh cơ bản được khống chế trong tháng 5, kinh tế trong nước dần được khôi phục từ cuối tháng 6; sản lượng 4 tháng đầu năm giảm 15%, trung bình cả năm giảm 10%; giá dầu thô trung bình 4 tháng đầu năm là 42,3 USD/thùng, 8 tháng cuối năm là trên 35 USD/thùng. Kịch bản 2 là dịch bệnh bùng phát trở lại sau khi mở cửa giao thương trở lại, Chính phủ buộc phải tiếp tục áp dụng các giải pháp cách ly xã hội nghiêm ngặt; giá dầu phục hồi chậm, ở mức thấp; sản lượng 4 tháng đầu năm giảm 15%, trung bình cả năm giảm 18%; giá dầu thô trung bình 4 tháng đầu năm là 42,3 USD/thùng, 8 tháng cuối năm là dưới 30 USD/thùng.

Trên cơ sở đó, Tổng giám đốc PVOIL Cao Hoài Dương kêu gọi toàn thể cán bộ nhân viên PVOIL xác định cho mình tinh thần làm việc bằng 2, bằng 3 lần trước đây để bù lại khoảng thời gian công việc đình trệ; tiếp tục cùng công ty đối diện và vượt qua những khó khăn trong thời gian tới; không được chủ quan, coi thường dịch bệnh nhưng cũng phải xác định rõ tâm thế đưa hoạt động sản xuất kinh doanh đi lên. Mỗi người lao động PVOIL cần thấy được trách nhiệm của mình trong sự tồn tại và phát triển của Tổng công ty; gắn suy nghĩ và hành động vào từng công việc cụ thể, hướng đến sự sáng tạo, tiết kiệm, thiết thực và hiệu quả. Có như vậy, PVOIL mới có thể tiếp tục kiểm soát thiệt hại ở mức thấp nhất; tận dụng mọi cơ hội để vững vàng vượt qua đại dịch.

Tùng Lâm