Nông nghiệp sạch

Phát triển Chương trình OCOP tỉnh Thái Nguyên

Thứ sáu, 28/4/2023 | 17:49 GMT+7
Xác định Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là trọng tâm, giải pháp được ưu tiên trong phát triển kinh tế nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới, tỉnh Thái Nguyên phấn đấu phát triển cả về số lượng và chất lượng thông qua chuyển đổi số.

Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên hiện có 173 sản phẩm OCOP được đánh giá xếp hạng từ 3 - 5 sao, nhiều sản phẩm đặc trưng như: chè, miến, gạo, mỳ gạo, thịt hươu sấy khô, cao ngựa bạch, na… Trong đó, nhiều chủ thể OCOP đã tham gia vào liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Các sản phẩm OCOP được đánh giá, xếp hạng đã có bước tiến về chất lượng, mẫu mã, bao bì, đảm bảo điều kiện, quy định về tem, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc.

Chương trình chuyển đổi số đã có tác động tích cực đến sự phát triển của sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, tạo động lực cho các chủ thể mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường, tăng doanh thu và thu nhập.

Để Chương trình Mỗi xã một sản phẩm đạt hiệu quả, thời gian qua, bên cạnh phương thức bán hàng truyền thống trưng bày, tiêu thụ sản phẩm thông qua hệ thống cửa hàng, siêu thị và nhà phân phối, thì các chủ thể sản xuất các sản phẩm OCOP của tỉnh Thái Nguyên đã và đang từng bước ứng dụng chuyển đổi số, chủ động đưa sản phẩm của mình giới thiệu, bán hàng trên các sàn giao dịch thương mại điện tử hoặc thông qua các kênh bán hàng trực tuyến (online), bán hàng tương tác trực tiếp (livestream).

Phát triển Chương trình OCOP tỉnh Thái Nguyên

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Thái Nguyên, để hỗ trợ các chủ thể xây dựng sản phẩm OCOP và bán hàng trên nền tảng số, trong năm 2022, Sở NN&PTNT đã tích cực triển khai tổ chức tuyên truyền, tập huấn gắn với nhiệm vụ ngành được trên 60 lớp với khoảng 3.500 lượt người tham dự với hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Sở cũng phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Bưu điện tỉnh, Viettel Thái Nguyên… hỗ trợ đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử với hơn 90.000 hộ đã được hướng dẫn, đào tạo kỹ năng số; gần 90.000 hộ được mở gian hàng trên sàn thương mại điện tử và được cung cấp tài khoản thanh toán số; khoảng 2.000 sản phẩm nông nghiệp được đưa lên sàn thương mại điện tử với 2 sàn Postmart.vn và Voso.vn. 

Việc tham gia các sàn thương mại điện tử không chỉ giúp các chủ thể sản xuất ở Thái Nguyên quảng bá rộng rãi, tăng số lượng đơn hàng và doanh thu mà còn giúp các chủ thể sản xuất tìm kiếm thị trường và mở rộng các kênh tiêu thụ, góp phần phát triển sản phẩm, mở rộng quy mô sản xuất, hướng đến mục tiêu đưa sản phẩm OCOP của Thái Nguyên lên các sàn giao dịch quốc tế, thúc đẩy xuất khẩu nông sản địa phương.

Để thúc đẩy hỗ trợ các chủ thể OCOP tham gia chương trình có hiệu quả hơn, thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh Thái Nguyên tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số và thương mại điện tử trong quảng bá và tiêu thụ sản phẩm OCOP; đào tạo, tập huấn về chuyển đổi số, kỹ năng bán hàng online, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm trên sàn thương mại điện tử; khuyến khích các chủ thể sản xuất tăng cường sử dụng phần mềm để số hóa hoạt động sản xuất kinh doanh, ứng dụng tự động hóa các hoạt động trong chuỗi giá trị thực phẩm nông sản.

Bảo Ngọc