Nông nghiệp sạch

Phát triển bền vững chuỗi giá trị nghêu và tre tại Việt Nam

Thứ sáu, 24/3/2023 | 11:38 GMT+7
Mới đây, Lễ tổng kết dự án “Phát triển bền vững và toàn diện chuỗi giá trị nghêu và tre tại Việt Nam” đã diễn ra với sự tham dự của đại diện lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng hơn 150 đại biểu từ các hiệp hội, tổ sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu ngành nghêu và tre tại nhiều địa phương.

Từ năm 2018, dự án “Phát triển bền vững và toàn diện chuỗi giá trị nghêu và tre tại Việt Nam” đã được triển khai tại 5 tỉnh: Nghệ An, Thanh Hóa, Tiền Giang, Trà Vinh và Bến Tre. Lấy các tiêu chuẩn bền vững làm định hướng phát triển sản xuất, dự án đã phối hợp cùng các địa phương tiến tới cải tiến kỹ thuật cho nông dân nhằm đạt các chứng chỉ quốc tế như MSC (Marine Stewardship Council) và ASC (Aquaculture Stewardship Council) dành cho nghêu, FSC (Forest Stewardship Council) dành cho tre. Các chứng chỉ sẽ là giấy thông hành để đưa các mặt hàng sản phẩm Việt Nam tới những thị trường xuất khẩu lớn (Mỹ, châu Âu, Nhật…); đồng thời giúp bảo tồn vùng nguyên liệu nghêu và tre bền vững, hạn chế tối đa các tác động về môi trường và xã hội. 

Kết quả thu được là, năm 2019 huyện Quan Hóa (Thanh Hóa) là địa phương đầu tiên trong cả nước đạt chứng chỉ FSC cho tre, kế tiếp đến các huyện Quế Phong (Nghệ An) và huyện Quan Sơn (Thanh Hóa) cũng đạt được chứng chỉ này. Đầu năm 2023, tỉnh Trà Vinh là vùng nuôi nghêu thứ ba trên thế giới đạt chứng nhận ASC. Đây được xem là bước tiến dài cho ngành nghêu và tre của Việt Nam.

Thông qua dự án, hơn 34.000 người đã có thu nhập bền vững hơn từ sản xuất nghêu và tre; 125 nhóm sản xuất được tổ chức tốt hơn; 63 doanh nghiệp cải thiện sản xuất kinh doanh, nâng cao giá trị gia tăng và có chính sách kinh doanh bao trùm; hơn 4.000 việc làm mới được tạo ra; sản lượng xuất khẩu nghêu của Việt Nam sang châu Âu tăng từ 38 - 40%, xuất khẩu tre tăng 42%; đóng góp cho xây dựng chính sách quốc gia và định hướng phát triển vùng nghêu, tre cấp tỉnh.

Phát triển bền vững và toàn diện chuỗi giá trị nghêu và tre tại Việt Nam

Bên cạnh đó, dự án còn hỗ trợ người sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ nâng cao thu nhập và vị thế thông qua phát triển chuỗi giá trị toàn diện, thực hành các tiêu chuẩn sản xuất bền vững. Đây là mô hình kinh tế hiệu quả và cần được nhân rộng.

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh, dự án đã thúc đẩy các doanh nghiệp kinh doanh phát triển không ngừng, doanh nghiệp phải kết hợp hài hòa với các bên liên quan nhằm thúc đẩy cả chuỗi giá trị. Mô hình đi đôi với các tiêu chuẩn sản xuất bền vững sẽ giúp mở rộng cánh cửa, tiến vào các thị trường xuất khẩu khó tính.

Cùng chung quan điểm, Giám đốc Quốc gia Oxfam tại Việt Nam Vũ Thị Quỳnh Hoa chia sẻ, phát triển chuỗi giá trị toàn diện và nâng cao năng lực quản lý chuỗi không đơn thuần chỉ là tăng thu nhập của từng mắt xích mà còn là chuỗi giá trị được tổ chức công bằng, lợi ích và rủi ro được các bên cùng chia sẻ. Đó sẽ là động lực để phát huy vai trò của sản xuất bền vững, bảo tồn nguồn lợi thiên nhiên và tạo ra lợi ích xã hội cho toàn cộng đồng.   

Dự án “Phát triển bền vững và toàn diện chuỗi giá trị nghêu và tre tại Việt Nam” do tổ chức Oxfam tại Việt Nam phối hợp Viện Khoa học lâm nghiệp, Hội Thủy sản Việt Nam, VCCI triển khai. Đây là sáng kiến nằm trong nỗ lực của Liên minh châu Âu hợp tác với các tổ chức xã hội tại Việt Nam để nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, góp phần đạt được các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ vào năm 2030.

Ngọc Mai