Nông nghiệp sạch

Phát triển ngành chăn nuôi bền vững theo định hướng kinh tế tuần hoàn

Thứ ba, 21/3/2023 | 11:14 GMT+7
Ngày 21/3, Cục Chăn nuôi, Tổ điều hành Diễn đàn kết nối 970, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp quốc tế Úc tại Việt Nam (ACIAR) phối hợp tổ chức diễn đàn “Kinh tế tuần hoàn (KTTH) trong ngành chăn nuôi: Cơ hội và thách thức”.

Tại diễn đàn, ông Võ Trọng Thành, đại diện Cục Chăn nuôi cho biết, phát triển chăn nuôi theo mô hình KTTH là việc triển khai các loại hình, phương thức, công nghệ chăn nuôi gắn với giảm tiêu hao nguyên liệu đầu vào, hạn chế phát thải đầu ra, xử lý tối ưu chất thải chăn nuôi làm đầu vào cho trồng trọt, chăn nuôi thủy sản và lâm nghiệp.

Chính phủ đã có rất nhiều quy định, pháp luật, chính sách liên quan đến KTTH trong chăn nuôi, điển hình như Luật Bảo vệ môi trường 2020, Luật Chăn nuôi 2018, Luật Trồng trọt 2018… Theo định hướng KTTH, chăn nuôi phải gắn với trồng trọt và các ngành khác để hình thành chuỗi KTTH trong nông nghiệp. Chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp là nguồn tài nguyên quý cần khai thác hiệu quả và việc xử lý, tái sử dụng chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp là trách nhiệm chung của toàn xã hội.

Diễn đàn “Kinh tế tuần hoàn trong ngành chăn nuôi: Cơ hội và thách thức”

Về vấn đề áp dụng KTTH trong chăn nuôi bền vững, ông Nguyễn Thế Hinh, Phó Trưởng ban Ban Quản lý các dự án nông nghiệp chia sẻ khái quát một số mô hình KTTH trong chăn nuôi từ các chương trình dự án đã triển khai tại Việt Nam. Trong đó, nổi bật là mô hình cho các trang trại chăn nuôi quy mô lớn với ba công nghệ chính: xử lý chất thải rắn bằng máy tách phân; xử lý chất thải khí bằng máy phát điện khí sinh học; xử lý chất thải lỏng bằng hệ thống tưới (nước thải sau biogas thông qua hệ thống lọc). Tuy nhiên, dù các công nghệ xử lý môi trường trên đã đem lại tỷ suất lợi nhuận khá cao nhưng vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc về chính sách cần tháo gỡ để có thể nhân rộng mô hình, đem lại hiệu quả kinh tế, môi trường cho cộng đồng và người dân.

Lý giải về nguyên nhân của tình trạng trên, ông Nguyễn Anh Phong, Giám đốc Trung tâm Thông tin, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn (IPSARD) chia sẻ, Việt Nam đang đối mặt với một số thách thức như nhận thức về KTTH tại quy mô doanh nghiệp nhỏ, vừa và siêu nhỏ ở nông thôn, hợp tác xã còn sơ khai; tâm lý ngại rủi ro; mức đầu tư cho các mô hình tái chế lớn; khung luật pháp chưa hoàn thiện.

Qua đây, đại diện IPSARD đưa ra một số giải pháp như: cần xây dựng hành lang pháp lý và tiêu chuẩn hóa KTTH trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó hoàn thiện cơ chế chính sách để đưa ra quy chuẩn sản xuất và thương mại hóa. Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi cho các đối tượng doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất áp dụng công nghệ về KTTH. Cần thúc đẩy liên kết, hợp tác trong nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ trong nước và quốc tế. Xây dựng chiến lược truyền thông ở các cấp, gắn với các hoạt động khuyến nông; thúc đẩy số hóa và xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, phân tích dữ liệu về KTTH.

Đề xuất một số yêu cầu đối với ngành chăn nuôi theo hướng KTTH trong thời gian tới, ông Võ Trọng Thành góp ý: Hoạt động chăn nuôi cần tạo ra hiệu quả kinh tế, giảm phát thải; phải có chính sách ưu đãi thu hút doanh nghiệp đầu tư; kết nối được các mô hình KTTH trong chuỗi giá trị nông sản; phải có công cụ đánh giá việc sử dụng, xử lý chất thải chăn nuôi và phụ phẩm nông nghiệp...

Đại diện Cục Chăn nuôi cũng chia sẻ một số giải pháp phát triển chăn nuôi theo hướng KTTH đến năm 2030. Bao gồm: hoàn thiện về cơ chế, chính sách; hoàn thiện hệ thống pháp luật về tái chế, tái sử dụng chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp theo hướng KTTH; nghiên cứu khoa học công nghệ, khuyến nông chăn nuôi; đào tạo, phát triển nguồn lực và năng lực cán bộ ngành chăn nuôi; triển khai các dự án ưu tiên như sản xuất phân hữu cơ từ chất thải chăn nuôi, nuôi côn trùng xử lý chất thải chăn nuôi, sản xuất khí sinh học từ chất thải chăn nuôi lợn.

Thanh Bảo