Văn hóa, du lịch

Phát triển các điểm đến xanh, nâng tầm du lịch Việt

Thứ sáu, 11/4/2025 | 16:19 GMT+7
Ngày 11/4, tại Hà Nội, Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức diễn đàn “Phát triển các điểm đến xanh, nâng tầm du lịch Việt Nam”.

Phát biểu tại diễn đàn, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình nhận định, trong bối cảnh toàn cầu đang đối mặt với những thách thức chưa từng có như biến đổi khí hậu, suy giảm đa dạng sinh học, ô nhiễm môi trường và tài nguyên cạn kiệt, ngành du lịch cũng buộc phải chuyển mình. Chuyển đổi xanh trong du lịch không còn là lựa chọn mà là yêu cầu bắt buộc nếu chúng ta muốn phát triển lâu dài, có trách nhiệm và có tương lai.

Theo ông Vũ Thế Bình, nhiều năm qua, du lịch Việt Nam đã xác định rõ chiến lược phát triển du lịch xanh là mục tiêu hàng đầu. Từ năm 2018 – 2019, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã vận động các doanh nghiệp du lịch chung tay bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải nhựa. Sau đại dịch Covid-19, sau khi hoàn thành dự án Giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch do Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tài trợ, Hiệp hội tập trung xây dựng và ban hành Bộ tiêu chí du lịch xanh (VITA GREEN) với mục tiêu tạo ra công cụ thực tiễn, rõ ràng, có thể áp dụng cho các điểm đến và doanh nghiệp du lịch hội viên trên cả nước.

Phát triển ngành du lịch theo hướng bền vững hơn, giảm tác động tiêu cực đến môi trường, đồng thời tạo ra lợi ích kinh tế và xã hội lâu dài

Tại diễn đàn, các đại biểu thảo luận về những xu hướng chuyển đổi xanh trong du lịch đang diễn ra trên toàn cầu và tại Việt Nam; các sáng kiến và mô hình giảm thiểu rác thải nhựa, thúc đẩy du lịch không rác; việc thí điểm áp dụng Bộ tiêu chí VITA GREEN tại một số địa phương, doanh nghiệp; vai trò then chốt của truyền thông và công nghệ trong việc thay đổi nhận thức, hành vi tiêu dùng.

Bên cạnh đó, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận về việc nâng cao nhận thức và giải pháp chuyển đổi xanh đối với du lịch Việt Nam; xây dựng cơ chế liên kết, phối hợp hiệu quả để huy động nguồn lực thực hiện chuyển đổi xanh trong lĩnh vực du lịch; hiện thực hóa các sáng kiến tiếp cận, mở rộng thị trường đối với mô hình kinh doanh du lịch xanh…

Theo GS.TS Nguyễn Văn Đính, Viện trưởng Viện kinh tế du lịch thuộc Hiệp hội Du lịch Việt Nam, chuyển đổi xanh trong du lịch là quá trình thay đổi ngành du lịch theo hướng bền vững hơn, giảm tác động tiêu cực đến môi trường, đồng thời tạo ra lợi ích kinh tế và xã hội lâu dài. Cụ thể, ngành du lịch cần phải phát triển theo hướng giảm phát thải carbon; sử dụng phương tiện giao thông thân thiện với môi trường (xe điện, xe đạp, giao thông công cộng); khuyến khích du lịch gần gũi thiên nhiên, giảm du lịch hàng không dài ngày; tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường; hạn chế sử dụng nhựa dùng một lần trong khách sạn, nhà hàng; tiết kiệm nước, điện và áp dụng năng lượng tái tạo trong cơ sở lưu trú; bảo vệ hệ sinh thái, không khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên.

Tuy nhiên, để chuyển đổi xanh trong du lịch đòi hỏi phát triển du lịch cộng đồng và kinh tế tuần hoàn, trong đó hỗ trợ các làng nghề truyền thống, tạo việc làm cho người dân địa phương, ưu tiên các sản phẩm, thực phẩm hữu cơ và hàng thủ công địa phương. Đồng thời, nâng cao nhận thức và trách nhiệm du lịch theo hướng giáo dục du khách về du lịch bền vững. Khuyến khích khách du lịch tham gia các hoạt động bảo vệ thiên nhiên.

Theo Hiệp hội Du lịch Việt Nam, thời gian tới, Hiệp hội sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động chuyển đổi xanh trong du lịch với 5 trụ cột: tham gia xây dựng cơ chế, chính sách về chuyển đổi xanh trong du lịch; phát triển các sản phẩm điểm đến xanh trên cơ sở Bộ tiêu chí du lịch xanh của Hiệp hội; xúc tiến, quảng bá xanh; đào tạo xanh; ứng dụng công nghệ xanh, chuyển đổi số.

Nhã Quyên (t/h)