Văn hóa, du lịch

Những kỷ niệm ở làng Saint Jeannet với các bậc thầy chuyên gia rượu vang

Thứ tư, 19/2/2025 | 10:32 GMT+7
Tôi còn nhớ sau khi thầy dạy nghề chuyên gia thử nếm và phục vụ rượu vang (Sommelier) của tôi, ông Frank Thomas, đoạt giải Chuyên gia rượu vang giỏi nhất nước Pháp và Chuyên gia rượu vang giỏi nhất châu Âu vào năm 2000, nhóm học trò của Frank Thomas quyết định tổ chức lễ ăn mừng thầy bằng việc thuê một nhà nghỉ nhỏ trên làng cổ Saint Jeannet để cùng nhau chén tạc chén thù và qua đêm ở đó.

Anh Eric Zwiebel, thời gian đó đang là chuyên gia thử nếm và phục vụ rượu vang tại Tập đoàn Hotel du Vin của thầy Gérard Basset bên Anh cũng ngỏ ý muốn tham gia cùng nhóm của chúng tôi. Vậy là chúng tôi đã có 2 ngày vô cùng thú vị trong làng Saint Jeannet, ăn ngon, uống các chai vang đặc biệt do thầy Frank Thomas và anh Eric Zwiebel mang tới, cũng như được thưởng thức các chai vang “cây nhà lá vườn” của gia đình Rasse mà tôi sẽ giới thiệu trong bài viết này.

Làng Saint Jeannet

Saint Jeannet là một ngôi làng cổ nằm dưới chân một mỏm đá lớn có tên là Baou de Saint-Jeannet, cao 800 m so với mực nước biển (theo thổ ngữ Provencal thì Baou có nghĩa là “tảng đá lớn”), một vách đá thu hút nhiều người leo núi chuyên và không chuyên. Từ trên đỉnh Baou de Saint Jeannet, bạn có thể quan sát thấy toàn bộ thung lũng Cagne, nơi có tàn tích của một thành lũy cổ có tên là Castellet, cũng như có thể chiêm ngưỡng một bức tranh toàn cảnh từ các đỉnh núi cao của khu bảo tồn thiên nhiên Mercantour, tới thành phố nhỏ Antibes, quần đảo Lerins ngoài khơi thành phố Cannes và rặng núi Estérel hùng vĩ.

Nằm cách biển Địa Trung Hải khoảng 10 km, Saint Jeannet có khí hậu mát vào mùa hè và không quá lạnh vào mùa đông do ngôi làng hướng về phía Nam (Địa Trung Hải) và mỏm đá Baou chặn sương mù hướng Bắc vào mùa đông. Saint Jeannet còn được thụ hưởng tới 3.000 giờ nắng mặt trời/năm so với 1.900 giờ/năm ở Paris. Mưa ở đây hiếm khi vượt quá 90 ngày/năm nhưng nhiều khi có mưa giông lớn. Rất hiếm khi có tuyết trong làng, trừ trên đỉnh Baou nhưng ngay cả tuyết trên đỉnh Baou cũng tan rất nhanh, trong vài giờ hoặc nhiều lắm là vài ngày trong tháng 1, tháng 2.

Thầy Frank Thomas

Trong làng Saint Jeannet còn lưu truyền một huyền thoại về dòng nho ăn trái lớn có tên “nho Michel”, tên của một chức sắc trong làng, ngài Barthélemy Michel, người có công tìm ra giống nho này trong vườn nhà vào năm 1863 (hạt nho Michel chắc do chim chóc mang từ nơi khác tới). Do các vườn nho trong làng Saint Jeannet hướng về phía Nam, nơi có nhiều ánh nắng mặt trời và do nằm ở độ cao 400 m so với mực nước biển, thoáng gió, khô ráo, nho Michel có những điều kiện vệ sinh lý tưởng để chín muộn và ngậm đường cao. Tới năm 1866, giống nho này đã được đưa xuống bán ngoài chợ ở thành phố Nice, nơi tập trung những người giàu có tới từ Paris hoặc từ nước ngoài và tên tuổi của giống nho này đã vang xa không chỉ ở Nice mà trong toàn nước Pháp bởi người ta có thể bày nó trên bàn tiệc cả vào mùa hè và mùa đông.

Nếu như trong thời cổ, người La Mã đã trồng nho và ô liu trong Lãnh địa Collet des Mourres ở Saint Jeannet thì tới đầu thế kỷ XX, cây nho đã thay thế dần cây ô liu trong làng Saint Jeannet. Các nghệ nhân làm rượu trong hầm hoặc trên gác xép, sau đó chuyển rượu vào các bình thủy tinh lớn và phơi các bình thủy tinh đó trên mái ngói vì thế mà các loại rượu vang hồng và đỏ làm trong làng Saint Jeannet có tên là “vang có màu ngói - vin tuilé”.

Cho tới năm 1950, các vườn nho vẫn bao phủ 1/3 diện tích đất nông nghiệp của làng Saint Jeannet và mỗi năm, vào mùa thu, mùa thu hoạch nho, tất cả cư dân trong làng say sưa nhảy múa và ăn uống nhiều ngày trên quảng trường làng.

Anh Eric Zwiebel

Hiện nay, trong làng Saint Jeannet chỉ còn duy nhất 1 lãnh địa trồng nho, làm rượu của gia đình Rasse với 4,5 ha. Các chai rượu này được xếp hạng vang vùng (I.G.P-Identification Géographique Protégée) của tỉnh Alpes-Maritimes. Sự đặc biệt của các chai rượu vang của gia đình Rasse, từ chai Longo Mai tới chai Rancio, nằm ở phương pháp làm rượu truyền thống. Rượu được phơi nắng trong 3 tháng dưới ánh mặt trời trong bồn thủy tinh lớn và bị oxy hóa có chủ đích. Sau đó rượu được tiếp tục ủ trong thùng gỗ sồi trong 12 tháng.

Việc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời này dẫn đến sự ổn định của rượu vang, vi khuẩn lên men có hại bị tiêu diệt bởi nhiệt độ cao do đó nhà sản xuất rượu không cần phải thêm sulfites. Ngoài ra, quá trình oxy hóa mang lại cho rượu vang một chùm hương vị độc đáo và phức tạp đáng kinh ngạc. Chúng ta có thể ngửi thấy mùi hỗn hợp của trái cây chín, đỏ và đen, gia vị, xạ hương và trên hết là mùi vỏ cam và thuốc lá sợi vàng (rancio) mà chúng ta tìm thấy ở rượu Madeira. Trong vòm miệng, rượu thanh mát chứ không nặng nề, tannin mềm mượt và dễ chịu (nhờ 12 tháng ủ trong thùng gỗ sồi).

Denis Rasse với những chai vang St Jeannet

Tóm lại, các chai vang của gia đình Rasse mà chúng tôi thử nếm với thầy Frank Thomas và anh Eric Zwiebel xứng đáng là một loại rượu nguyên bản, cao quý với một hành trang lịch sử và văn hóa mà những người yêu rượu vang nên tìm hiểu, sưu tập.

Tô Việt