Phát triển giao thông xanh tại thành phố Huế

Thứ sáu, 23/2/2024 | 15:36 GMT+7
Ngày 23/2, Viện Nghiên cứu phát triển Thừa Thiên Huế tổ chức hội thảo “Định hướng phát triển giao thông vận tải công cộng thân thiện với môi trường và kế hoạch phát triển giao thông xanh cho thành phố Huế”.

Hội thảo nhằm tạo diễn đàn trao đổi về định hướng phát triển giao thông vận tải thân thiện với môi trường và giao thông xanh tại thành phố Huế trong bối cảnh cam kết của Chính phủ Việt Nam tại COP26 và chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành giao thông vận tải; rà soát, đánh giá các rào cản, hạn chế, cơ hội và xu hướng phát triển của các loại hình giao thông vận tải công cộng đường bộ, đề xuất những giải pháp phát triển phương tiện giao thông vận tải công cộng thân thiện với môi trường tại thành phố Huế.

Theo ông Lê Toàn Thắng, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải, tỉnh Thừa Thiên Huế đã có nhiều chuẩn bị cho phát triển hạ tầng giao thông xanh, giao thông công cộng như: Quy hoạch tỉnh và quy hoạch chung đô thị theo hướng hoàn thiện khung giao thông chính, giao thông hướng tâm thông qua 3 vành đai kết nối đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2023, trong đó định hướng giao thông xanh, giao thông xe đạp trong các đồ án quy hoạch; nghiên cứu đề án phát triển mạng lưới xe đạp trong khu vực trung tâm với định hướng xây dựng hoàn chỉnh hệ thống đường dạo bộ kết hợp xe đạp dọc tuyến bờ Bắc và bờ Nam sông Hương. UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã ban hành quyết định về điều chỉnh phương thức hoạt động, tối ưu hóa hành trình các chuyến vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh...

Thừa Thiên Huế định hướng phát triển giao thông vận tải công cộng thân thiện với môi trường, phát triển giao thông xanh

Với mục tiêu xây dựng hệ thống quản trị đô thị thông minh, xanh và phát triển bền vững, Thừa Thiên Huế mong muốn kết hợp với doanh nghiệp trong việc làm triển khai dịch vụ xe buýt điện, xe taxi điện (dần thay thế hệ thống hiện nay), xe đạp... Đồng thời hướng đến các dịch vụ giao thông xanh và tập trung giao thông công cộng cùng với các thiết chế giảm phương tiện giao thông cá nhân, giảm phát thải để xây dựng thành phố Huế trở thành đô thị xanh, đô thị sinh thái và hướng đến Net Zero theo cam kết COP26.

Tại hội thảo, bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện thường trú Tổ chức Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam: Giao thông xanh kết hợp với kinh tế tuần hoàn sẽ mang lại cơ hội lớn để đạt mục tiêu phát triển đô thị carbon thấp. Đối với tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Huế nói riêng, cần xem xét các giải pháp giảm thiểu khai thác tài nguyên, giảm chất thải, kéo dài vòng đời xe điện và tạo việc làm mới. Thứ hai là thúc đẩy các giải pháp giao thông sáng tạo như xe điện, xe tải điện, hệ thống xe đạp điện chia sẻ để tăng cường kết nối giao thông đô thị, giảm ô nhiễm không khí, cải thiện khả năng tiếp cận tới các khu dân cư và các điểm du lịch, đồng thời thúc đẩy mục tiêu giảm phát thải trong ngành giao thông vận tải. Thứ ba, để đảm bảo quá trình phát triển bền vững và tổng thể, cần phải có cách tiếp cận toàn diện. Thành phố Huế cần xây dựng quy hoạch và kế hoạch tổng thể, tích hợp phát triển hạ tầng giao thông thân thiện với môi trường. Ngoài ra, việc thực hiện các chính sách để quản lý, vận hành và khuyến khích các sáng kiến xanh bền vững là rất quan trọng.

Các diễn giả tham gia hội thảo trình bày tham luận về một số vấn đề: phương án phát triển giao thông vận tải tỉnh Thừa Thiên Huế định hướng 2030, tầm nhìn đến năm 2050; định hướng phát triển giao thông vận tải thân thiện với môi trường và giao thông xanh tại thành phố Huế; kinh nghiệm phát triển giao thông xanh của một số thành phố trên thế giới. Viện Nghiên cứu phát triển Thừa Thiên Huế đã báo cáo nghiên cứu thử nghiệm chính sách giao vận xanh đối với nhân viên giao hàng bằng xe máy tại thành phố Huế. Hội thảo cũng thảo luận về lộ trình phát triển giao thông vận tải công cộng đường bộ tại thành phố Huế và kế hoạch phát triển giao thông xanh cho thành phố.

Nhã Quyên (t/h)