Văn hóa, du lịch

Phát triển hoạt động văn hóa, du lịch và thể thao tại Tuyên Quang

Thứ sáu, 16/9/2022 | 17:28 GMT+7
Mới đây, đoàn công tác của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) đã làm việc với tỉnh Tuyên Quang về kết quả công tác VHTT&DL trên địa bàn tỉnh 8 tháng đầu năm 2022 và nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới.

Tại buổi làm việc, các thành viên đoàn công tác cũng đã phát biểu, trao đổi về một số vấn đề để Tuyên Quang khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên văn hóa; phát triển du lịch bền vững; đa dạng hóa các sản phẩm du lịch đồng thời tổ chức các hoạt động thể thao, đặc biệt là thể thao thành tích cao.

Báo cáo với Bộ trưởng Bộ VHTT&DL cùng đoàn công tác, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang Hoàng Việt Phương cho biết, để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa trong tình hình mới, tỉnh đã kiến nghị Bộ VHTT&DL đề xuất với Quốc hội, Chính phủ xem xét ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa. Trong đó, quan tâm, bố trí nguồn lực để tỉnh thực hiện tu bổ, tôn tạo các di tích quốc gia, quốc gia đặc biệt; tăng nguồn lực hỗ trợ triển khai thực hiện các nội dung trong dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; quan tâm tạo điều kiện cho Tuyên Quang đăng cai tổ chức các sự kiện văn hóa thể thao và du lịch; đưa danh thắng quốc gia đặc biệt khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang - Lâm Bình vào Quy hoạch hệ thống du lịch quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đoàn công tác của Bộ VHTT&DL làm việc tại tỉnh Tuyên Quang

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng cho biết, khối lượng di tích, di sản đồ sộ trên địa bàn Tuyên Quang khiến chúng ta có quyền tự hào so với các tỉnh, thành khác. Bản sắc độc đáo 22 cộng đồng dân tộc trên địa bàn, 40 lễ hội trong đó có nhiều lễ hội đặc sắc quy mô lớn, có sức thu hút và gắn với phát triển du lịch. Tận dụng lợi thế này, địa phương cần nghiên cứu việc giữ vững nguyên tắc giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo tồn tôn tạo và phát huy các di tích lịch sử cách mạng hiện có.

Chú trọng lãnh đạo bằng các Nghị quyết của Đảng, các văn bản quy phạm pháp luật của địa phương. Trong đó, tập trung quy hoạch hệ thống cơ sở văn hóa, thể thao của tỉnh, kết hợp với quy hoạch chung, phục vụ cho phát triển bền vững.

Với riêng lĩnh vực du lịch, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định, Tuyên Quang có dư địa để phát triển du lịch và hội tụ đầy đủ các yếu tố để phát triển du lịch bền vững. Bởi Tuyên Quang có tài nguyên du lịch thiên nhiên bền vững, có di tích lịch sử văn hóa, cách mạng tiêu biểu của quốc gia và có bản sắc văn hóa hết sức độc đáo của 22 dân tộc anh em đang sinh sống trên địa bàn.

Để hoạt động du lịch Tuyên Quang phát triển, Bộ trưởng đề ra 4 vấn đề cho tỉnh. Bao gồm: định hướng xây dựng quy hoạch hệ thống du lịch của tỉnh kết nối vào hệ thống du lịch quốc gia; xác định khu vực động lực để phát triển du lịch dựa vào yếu tố thiên nhiên và giá trị lan tỏa; xác định lại sản phẩm du lịch, định hình giá trị sản phẩm du lịch của Tuyên Quang, phải có sản phẩm đặc sắc và tiêu biểu; đầu tư xây dựng các khu nghỉ dưỡng.

Đối với lĩnh vực thể thao, Bộ trưởng đề nghị 3 vấn đề, đó là tập trung phát triển thể thao theo hướng toàn dân học tập, rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ; phải quy hoạch để có trung tâm thể thao; phải chuẩn bị tích cực nhất để tham gia Đại hội thể thao toàn quốc sắp tới.

Thanh Bảo