Văn hóa, du lịch

Phát triển mạng lưới Thành phố sáng tạo của Việt Nam

Thứ tư, 22/12/2021 | 15:09 GMT+7
Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) vừa phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức hội thảo Phát triển mạng lưới Thành phố sáng tạo Việt Nam.

Hội thảo nằm trong khuôn khổ Kế hoạch xây dựng đề án Phát triển mạng lưới Thành phố sáng tạo Việt Nam tham gia vào mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO. Đề án sẽ tập trung nghiên cứu tiềm năng, lợi thế về sáng tạo vì sự phát triển bền vững của một số thành phố của Việt Nam như thành phố Hồ Chí Minh, Huế, Đà Nẵng, Hạ Long, Hội An, Đà Lạt và Vũng Tàu, từ đó đánh giá tổng hợp tính khả thi của việc hình thành mạng lưới Thành phố sáng tạo của Việt Nam.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ VHTT&DL) Nguyễn Phương Hòa cho biết, mạng lưới các Thành phố sáng tạo UNESCO được thành lập năm 2004, Thủ đô của Việt Nam gia nhập mạng lưới vào tháng 10/2019. Hiện có 246 thành phố thuộc mạng lưới các Thành phố sáng tạo UNESCO, việc tham gia mạng lưới nhằm thúc đẩy hợp tác quốc tế giữa các thành phố, đặc biệt trong lấy nguồn lực văn hóa và sáng tạo văn hóa làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị một cách bền vững.

Ngoài ra, Việt Nam đã tham gia Công ước UNESCO về bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa từ năm 2007. Trên tinh thần của Công ước, Ban Chấp hành trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Theo đó đặt ra nhiệm vụ trọng tâm là phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng và hoàn thiện thị trường văn hóa, nhấn mạnh tầm quan trọng của các sản phẩm và dịch vụ văn hóa trong việc xây dựng và phát triển văn hóa ở Việt Nam.

Hội thảo Phát triển mạng lưới Thành phố sáng tạo Việt Nam

Bên cạnh đó, Cục Hợp tác quốc tế cũng được giao nhiệm vụ chủ trì phối hợp với Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam và các cơ quan liên quan xây dựng đề án Phát triển mạng lưới Thành phố sáng tạo nằm trong hệ thống Thành phố sáng tạo UNESCO.

Hiện nay, Việt Nam có một số thành phố, đô thị như thành phố Hồ Chí Minh, Huế, Đà Nẵng, Hội An, Hạ Long, Vũng Tàu, Đà Lạt có tiềm năng phát huy sáng tạo để phát triển bền vững và có khả năng tham gia vào mạng lưới.

Các đại biểu tham gia hội thảo đã thảo luận, chia sẻ quan điểm, kinh nghiệm, tư vấn lựa chọn lĩnh vực, hạng mục, thế mạnh để xây dựng hồ sơ thành phố sáng tạo, cũng như đánh giá tiềm năng, lợi thế về sáng tạo và tính khả thi của việc hình thành mạng lưới Thành phố sáng tạo của Việt Nam nằm trong hệ thống Thành phố sáng tạo của UNESCO.

Khi tham gia mạng lưới, các thành phố phải cam kết chia sẻ những thực hành tốt nhất, đổi mới sáng tạo và xây dựng ý thức gắn liền với trách nhiệm, tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ, phát triển hợp tác với khu vực công và tư cũng như các tổ chức xã hội - nghề nghiệp. Tất cả nhằm mục tiêu: tăng cường sáng tạo, sản xuất, phân phối và truyền bá về các hoạt động, hàng hóa và dịch vụ văn hóa; phát triển các không gian sáng tạo và đổi mới, mở rộng cơ hội cho những người sáng tạo và chuyên gia trong lĩnh vực văn hóa; nâng cao việc tiếp cận và tham gia vào đời sống văn hóa, đặc biệt đối với các nhóm và cá nhân yếu thế và dễ bị tổn thương; lồng ghép văn hóa và sáng tạo vào các kế hoạch phát triển bền vững.

Bà Nguyễn Phương Hoà nhấn mạnh: Đây không chỉ là thương hiệu/danh hiệu mà khi tham gia vào mạng lưới Thành phố sáng tạo nằm trong hệ thống Thành phố sáng tạo UNESCO, các thành phố còn thể hiện được quyết tâm đặt văn hóa và sự sáng tạo vào trung tâm của sự phát triển, chìa khóa của quy hoạch phát triển đô thị. Từ đó, khẳng định vị thế, làm cho các thành phố an toàn, có khả năng phục hồi, hòa nhập, bền vững, người dân hạnh phúc và phát triển phù hợp với tương lai.

Kim Bảo