Kinh tế xanh

Giải pháp để đẩy mạnh nông nghiệp số

Thứ năm, 8/7/2021 | 12:19 GMT+7
Chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp đã được thực hiện trong vài năm trở lại đây nhưng hiện vẫn chưa thực sự đạt được kết quả đề ra. Ngày 7/7, tại lễ công bố Báo cáo tổng quan Nông nghiệp số Việt Nam 2021, các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp đã cùng thảo luận và đưa ra ý kiến giải quyết vấn đề này.

Theo Quyết định số 749/QĐ-TTg về Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030, nông nghiệp là một trong những ngành được ưu tiên chuyển đổi số.

Trong quá trình chuyển đổi số, bản đồ số nông nghiệp có vị trí quan trọng bởi nhờ đó người dân, doanh nghiệp có thể biết được các thông tin hữu ích như: vị trí, chất đất, sản lượng, khí hậu, thời tiết phù hợp với các loại giống cây trồng… Đây chính là cơ sở dữ liệu quan trọng giúp người dân và doanh nghiệp triển khai, quy hoạch cây trồng vật nuôi phù hợp.

Chuyển đổi số trong nông nghiệp

Tại lễ công bố, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, chuyển đổi số trong nông nghiệp là một chủ trương lớn, trong đó xây dựng cơ sở dữ liệu là nhiệm vụ quan trọng bậc nhất. Tuy nhiên, dữ liệu của ngành nông nghiệp hiện vẫn nằm rải rác, mỗi đơn vị một kiểu, chưa thống nhất nên việc đồng bộ tất cả dữ liệu gặp khó khăn và mất nhiều thời gian.

Với vấn đề này, Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA) kiến nghị đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn một số biện pháp như: xây dựng cơ sở dữ liệu chung đồng nhất; phát triển cơ sở hạ tầng với sự tham gia của nhiều bên; xây dựng chính sách hỗ trợ đầu tư vốn cho doanh nghiệp chuyển đổi số từ ngân sách nhà nước và quỹ đầu tư; phát triển hệ thống đổi mới, sáng tạo, tập trung vào công nghệ mới. 

Bên cạnh đó, VIDA cũng đề xuất các giải pháp về xây dựng nguồn lao động. Bao gồm: đào tạo nghề nông trên cơ sở kết hợp nhu cầu của doanh nghiệp và sự phân bổ theo địa phương; đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho những nông dân đang trực tiếp sản xuất; đào tạo đội ngũ lao động nông nghiệp công nghệ cao.

Tham gia đóng góp ý kiến tại buổi làm việc, bà Lê Thị Hiên, Phó Chủ nhiệm Khoa Công nghệ Nông nghiệp, Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, chia sẻ về giải pháp đào tạo nhân lực để đáp ứng mục tiêu đã đề ra. Theo bà, muốn chuyển đổi số nông nghiệp thì cần có nguồn nhân lực vừa có kỹ năng tốt về công nghệ vừa hiểu biết về nông nghiệp. Hiện Khoa Công nghệ Nông nghiệp đã tổ chức nhiều đoàn tham quan cho sinh viên tới những mô hình thực tế, để sinh viên nhìn thấy đầu ra nghề nghiệp, đồng thời nhận thức rõ vai trò trong xã hội khi ra trường. Ngoài ra, sinh viên cũng sẽ được học thêm về tự động hóa, công nghệ thông tin để tiến tới chuyển đổi số trong tương lai.

Khánh An (T/H)