Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, tháng 11/2024 vừa qua, Bộ Chính trị, Quốc hội đã ban hành chủ trương tái khởi động chương trình điện hạt nhân và các dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1, 2 (sau 8 năm tạm dừng dự án này).
Theo Bộ trưởng, để phục vụ chương trình điện hạt nhân và dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, nguồn nhân lực trong cả ngắn hạn và dài hạn là vô cùng cần thiết, từ nghiên cứu, phát triển năng lượng hạt nhân đến nhân lực về kỹ thuật và vận hành.
Bộ Công Thương là cơ quan được Chính phủ trực tiếp giao nhiệm vụ chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành, các cơ quan liên quan và các địa phương tham mưu triển khai dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1, 2. Bộ đã có đề xuất Ban chỉ đạo và Chính phủ, dự kiến sẽ tổ chức họp thống nhất công việc, thúc đẩy tiến độ, triển khai các công việc trong thời gian sớm nhất.
![](/userfile/User/dohuong/images/2025/1/01/hoi-nghi-20250102151150231.jpg)
Quang cảnh hội nghị
Bên cạnh đó, Bộ đã đề xuất Chính phủ cho phép cập nhật quy hoạch điện hạt nhân cách đây 15 năm, tất nhiên có rà soát điều chỉnh bổ sung vào Quy hoạch điện VIII. Đồng thời, đề xuất Chính phủ xem xét tái chỉ định EVN sẽ là chủ đầu tư hai nhà máy hạt nhân Ninh Thuận 1, 2.
Bộ Công Thương đã rà soát, cập nhật, điều chỉnh lại hồ sơ để đề xuất cấp có thẩm quyền thay đổi công nghệ, thay đổi quy mô. Bộ cũng đề xuất Chính phủ cho phép tiến hành quy định tái đàm phán với các đối tác, bước đầu đã có hai đối tác là Nga và Nhật Bản rất quan tâm đến chương trình này. Bộ đang cùng EVN, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Ninh Thuận tiếp tục đẩy mạnh triển khai dự án giải phóng mặt bằng, tái định cư cho người dân.
Báo cáo về hiện trạng, nhu cầu và giải pháp phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ phục vụ chương trình điện hạt nhân, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) Lý Quốc Hùng cho biết, hiện nay, nguồn nhân lực khoa học và công nghệ về điện hạt nhân của nước ta đang thiếu cả về số lượng và chất lượng, nhất là rất thiếu các nhà khoa học, chuyên gia đầu đàn.
Việc phát triển nguồn nhân lực về số lượng và chất lượng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mang tính chiến lược, có ý nghĩa quyết định đến thành công của dự án nhà máy điện hạt nhân, đáp ứng mục tiêu an toàn, hiệu quả và bền vững. Theo ông Lý Quốc Hùng, để phát triển nguồn nhân lực khoa học công nghệ cho ngành điện hạt nhân cần tập trung vào các giải pháp chủ yếu.
Thứ nhất, xây dựng chương trình đào tạo chuyên sâu về điện hạt nhân tại các trường đại học. Chương trình đào tạo cần được xây dựng bài bản theo hướng hiện đại, phù hợp với yêu cầu thực tiễn của ngành, trong đó có sự hỗ trợ thông qua hợp tác quốc tế với cơ sở giáo dục của các nước dự kiến sẽ hỗ trợ về mặt kỹ thuật, công nghệ cho dự án điện hạt nhân trong thời gian tới.
Thứ hai, đẩy mạnh hợp tác quốc tế về đào tạo và nghiên cứu với các quốc gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực điện hạt nhân như Liên bang Nga, Nhật Bản, Pháp, Mỹ… thông qua việc tham gia vào các chương trình đào tạo quốc tế, chương trình trao đổi sinh viên, nghiên cứu sinh, hội thảo, hội nghị chuyên ngành, hợp tác nghiên cứu để trao đổi kiến thức, kinh nghiệm trong việc vận hành và quản lý an toàn lò phản ứng, nâng cao trình độ chuyên môn, mở rộng mối quan hệ quốc tế.
Thứ ba, rà soát nhân lực về điện hạt nhân hiện có tại EVN và các trường đại học, viện nghiên cứu thuộc Bộ; xây dựng kế hoạch để đào tạo mới, đào tại lại, đào tạo chuyên sâu nhằm hình thành đội ngũ chuyên gia đầu đàn trong lĩnh vực điện hạt nhân. Về lâu dài, việc tổ chức các khóa đào tạo nâng cao thường xuyên cho nhân lực làm việc trong ngành (về công nghệ mới, quy định an toàn hạt nhân và quản lý rủi ro…) là rất cần thiết nhằm cập nhật những kiến thức mới nhất, từ đó nâng cao hiệu quả công việc và đảm bảo an toàn.
Thứ tư, đầu tư nâng cao năng lực cho các viện nghiên cứu thuộc Bộ Công Thương nhằm hình thành lĩnh vực nghiên cứu và phát triển về điện hạt nhân và các công nghệ, kỹ thuật liên quan đến điện hạt nhân. Các viện nghiên cứu thuộc Bộ phải được chuẩn bị nguồn lực cả về con người và cơ sở vật chất để có thể tham gia hỗ trợ EVN tiếp thu, áp dụng công nghệ, kỹ thuật từ đối tác nước ngoài ngay từ những giai đoạn rà soát, điều chỉnh dự án; đàm phán về chuyển giao công nghệ, đào tạo - hỗ trợ kỹ thuật với đối tác nước ngoài.
Thứ năm, rà soát, xây dựng cơ chế, chính sách theo thẩm quyền và kiến nghị Chính phủ xây dựng cơ chế, chính sách cho điện hạt nhân, trong đó có xem xét việc khuyến khích phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực điện hạt nhân.
Thứ sáu, tăng cường tuyên truyền và nâng cao nhận thức của cộng đồng về lợi ích và an toàn của năng lượng hạt nhân. Việc tổ chức các hội thảo, diễn đàn, sự kiện truyền thông sẽ giúp người dân hiểu rõ hơn về điện hạt nhân, từ đó thu hút sự quan tâm và khuyến khích thế hệ trẻ theo đuổi sự nghiệp trong lĩnh vực điện hạt nhân.