Thí điểm công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn thành phố Sơn La

Thứ ba, 6/8/2024 | 10:44 GMT+7
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sơn La đã vừa họp triển khai công tác thí điểm phân loại chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) tại nguồn trên địa bàn thành phố Sơn La.

Theo báo cáo tại buổi làm việc, hiện nay, rác thải sinh hoạt phát sinh tại 7 phường trên địa bàn thành phố Sơn La có khối lượng khoảng 55 - 60 tấn/ngày; 5 xã với khối lượng 15 - 19 tấn/ngày. Toàn thành phố có 174 điểm đặt xe gom rác đẩy tay; 2 trạm trung chuyển; 285 xe thu gom đẩy tay, 11 xe vận chuyển rác.

Các nguồn phát sinh CTRSH đến từ hộ gia đình, khu thương mại, dịch vụ (nhà hàng, khách sạn, siêu thị, chợ…); công sở (cơ quan, trường học, trung tâm, viện nghiên cứu, bệnh viện…); khu công cộng (bến xe, công viên, khu vui chơi giải trí, đường phố…); dịch vụ vệ sinh; hoạt động của cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Thí điểm công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn thành phố Sơn La

Ông Trần Công Chính, Phó Chủ tịch UBND thành phố Sơn La cho biết, để chuẩn bị cho công tác phân loại CTRSH tại nguồn, UBND thành phố đã có văn bản chỉ đạo, giao các phòng, ban, đơn vị, UBND xã, phường tập trung cao thực hiện, nghiên cứu đề xuất xây dựng nhiều điểm tập kết, trạm trung chuyển chất thải rắn đảm bảo quy định.

Đồng thời, chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, UBND các xã, phường, tổ, bản rà soát, sửa đổi quy chế, hương ước bổ sung nội dung về bảo vệ môi trường. Đến nay, 100% hương ước của các tổ, bản, tiểu khu đã được bổ sung nội dung về bảo vệ môi trường theo quy định. Ngoài ra, Hội đồng tuyên truyền phổ biến pháp luật thành phố đã tổ chức 6 cuộc tuyên truyền, phổ biến Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản quy định chi tiết liên quan đến Luật đến với người dân.

Tuy nhiên, ông Trần Công Chính cũng chỉ ra rằng, toàn bộ nguồn rác thải sinh hoạt trên địa bàn hiện chưa được phân loại từ đầu nguồn ở các hộ gia đình, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nhỏ lẻ. Hầu hết rác thải sinh hoạt hàng ngày được các hộ gia đình chứa, đựng trong các dụng cụ như túi nilon, bao bì, hoặc đặt trực tiếp trong xô, chậu, thùng xốp... để rải rác khắp các đầu ngõ, trước cửa nhà, treo ở bờ tường bao, gốc cây... chờ được thu gom, dẫn đến hiện tượng xả rác bừa bãi, gây mất mỹ quan đô thị. Đặc biệt, điều kiện cơ sở hạ tầng hiện nay cũng chưa đảm bảo triển khai thu gom, phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt, gây khó khăn, lãng phí lớn trong quá trình vận chuyển, phân loại, xử lý CTRSH.

Tại cuộc họp, các đại biểu tập trung thảo luận những nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn phân loại, lưu giữ, vận chuyển rác ra bãi tập kết; phương thức thay đổi thói quen của người dân, phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể trong công cuộc phân loại CTRSH tại nguồn; việc xử phạt vi phạm hành chính với trường hợp không thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn…

Bà Lê Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sơn La đề nghị UBND thành phố tiếp tục tập trung chỉ đạo các phòng ban chuyên môn, UBND các phường thực hiện hiệu quả kế hoạch của UBND tỉnh, thành phố về thí điểm triển khai phân loại CTRSH tại nguồn. Chỉ đạo UBND các phường quán triệt, xây dựng chương trình, kế hoạch, chuẩn bị mọi điều kiện để triển khai thực hiện phân loại.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phân loại rác; in ấn tờ rơi hướng dẫn phát đến tận các tổ bản, hộ gia đình cá nhân. Lựa chọn các tổ chức đoàn thể làm lực lượng nòng cốt thực hiện tuyên truyền, phổ biến, vận động. Tổ chức ký cam kết với phường; phường ký cam kết với các tổ bản; tổ bản ký cam kết với các hộ gia đình, cá nhân. Đưa nội dung phân loại CTRSH tại nguồn vào tiêu chí bình xét gia đình văn hóa.

Rà soát lại các điểm tập kết, trung chuyển chất thải rắn, đảm bảo tuân thủ đúng quy định về môi trường, tránh phát sinh ô nhiễm. Chỉ đạo UBND các phường thống nhất với Công ty CP Môi trường và Dịch vụ đô thị Sơn La về vị trí, thời gian, quy mô tiếp nhận chất thải tại các trạm trung chuyển CTRSH.

Bên cạnh đó, thành lập các tổ kiểm tra, giám sát của UBND thành phố, các ban vận động, giám sát thực hiện của các phường, tổ dân phố để vận động, kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc tổ chức thực hiện thu gom, vận chuyển CTRSH, đảm bảo đồng bộ, thống nhất. Tổ chức học tập mô hình, cách thức phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH tại thành phố Hải Phòng để nghiên cứu, áp dụng thực hiện. Rà soát toàn bộ trang thiết bị thu gom, vận chuyển hiện có, đảm bảo dụng cụ, trang thiết bị, phương tiện được thiết kế phù hợp từng loại CTRSH đã được phân loại. Xe chuyên dụng cuốn ép CTRSH phải có thiết bị lưu chứa nước rỉ rác; bảo đảm không rơi vãi CTRSH, rò rỉ nước rỉ rác, phát tán mùi trong quá trình vận chuyển.

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh sẽ sớm thành lập các tổ công tác, hướng dẫn chuyên môn trực tiếp xuống cơ sở hướng dẫn tổ chức, cá nhân thực hiện phân loại. Đồng thời tập trung nghiên cứu, xây dựng, trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết về cơ chế chính sách hỗ trợ hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH; xây dựng quy định giá cụ thể với dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH.

Ngọc Mai (T/H)