Ngày 13/12, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn có tham luận với chủ đề “Phát triển thương hiệu Thành phố sáng tạo: Cơ hội và thách thức đối với Hà Nội” tại Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 20.
Theo đó, ông Lê Hồng Sơn nhấn mạnh việc tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO là bước tiến thuận lợi cho Thủ đô, tạo điều kiện phát huy sức mạnh tổng hợp của các nguồn lực kinh tế, chính trị, trong đó trọng tâm là nguồn lực văn hóa và giáo dục; góp phần quan trọng trong việc định vị thương hiệu, quảng bá hình ảnh, thúc đẩy cạnh tranh trong thu hút đầu tư; kích thích tái tạo đô thị; phát triển các chương trình giáo dục và sự kiện văn hóa, gia tăng cơ hội hợp tác trên mọi lĩnh vực sáng tạo gắn với tầm nhìn phát triển bền vững.
Phát triển thương hiệu Thành phố sáng tạo cho Thủ đô Hà Nội
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội cũng chỉ ra một số khó khăn, thách thức trong quá trình phát triển thương hiệu Thành phố sáng tạo. Cụ thể, việc đổi mới tư duy lãnh đạo, quản lý văn hóa theo hướng cởi mở, phát huy tính sáng tạo, chủ động của các chủ thể vẫn còn hạn chế; nhiều thách thức từ sự tăng trưởng kinh tế không ổn định và quá trình đô thị hóa, gia tăng dân số nhanh chóng. Ngoài ra, còn có thách thức về việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các lĩnh vực văn hóa, đặc biệt trong không gian văn hóa sáng tạo Thủ đô khi bối cảnh nguồn lực dành cho văn hóa, cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư cho văn hóa chưa đáp ứng nhu cầu; thách thức từ vấn đề toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế...
Qua đây, ông Lê Hồng Sơn đề xuất, Hà Nội cần nhận thức rõ việc phát huy những tiềm năng thế mạnh, các cơ hội cũng như triển khai hành động thiết thực, nhiệm vụ trọng tâm. Bao gồm: đẩy mạnh nâng cao nhận thức của xã hội, trước hết là của cán bộ, đảng viên, các tổ chức Đảng, chính quyền của thành phố về tầm quan trọng, ý nghĩa của việc trở thành Thành phố sáng tạo đối với sự phát triển của Thủ đô trong tình hình mới. Tiếp tục đầu tư nguồn lực phù hợp đối với các ngành công nghiệp văn hóa để tạo ra những sản phẩm, dịch vụ văn hóa mang đậm nét riêng của người Hà Nội, đưa những tiềm năng văn hóa thành sức mạnh mềm, đem lại giá trị kinh tế cao.
Trong xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, cần đưa yếu tố sáng tạo hàm chứa trong tất cả các lĩnh vực, tạo sự bền vững trong phát triển. Xây dựng những cơ chế, chính sách, quy định mang tính pháp lý, bảo đảm tạo động lực, thúc đẩy tư duy và thực hành sáng tạo trong cộng đồng sáng tạo trên mọi lĩnh vực phát triển, cũng như khơi thông và tạo môi trường để các ý tưởng sáng tạo thành hiện thực.
Triển khai thực hiện các cam kết khi Hà Nội tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO là yêu cầu cấp thiết. Trong đó, tiếp tục nghiên cứu để kiến tạo một trung tâm thiết kế sáng tạo, nỗ lực xây dựng và tổ chức các chương trình, dự án hướng tới các mục tiêu của mạng lưới. Tăng cường hợp tác quốc tế, chia sẻ kinh nghiệm trong việc tận dụng và phát huy thương hiệu “Thành phố sáng tạo” từ các mô hình thành công.
Hơn nữa, cần sáng tạo ra nhiều sản phẩm văn hóa mới có giá trị trên nền tảng phát huy văn hóa truyền thống. Tăng cường hơn nữa việc giới thiệu, quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng các giá trị văn hóa tốt đẹp của Thủ đô.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn nhấn mạnh, mục tiêu lớn của Hà Nội trong tương lai gần là trở thành “Kinh đô sáng tạo” của khu vực Đông Nam Á, góp phần đưa Thủ đô trở thành một trong những “điểm sáng” văn hóa của khu vực và thế giới.