Giải thưởng Phát triển văn hóa đọc nhằm tôn vinh các tổ chức, cá nhân có đóng góp cho sự phát triển văn hóa đọc trong việc hình thành trí tuệ, nhân cách, đạo đức và lối sống lành mạnh góp phần xây dựng con người phát triển toàn diện. Bên cạnh đó, cải thiện môi trường đọc, tăng cường quảng bá, nâng cao chất lượng hoạt động của thư viện công lập, thư viện ngoài công lập, không gian văn hóa, các thiết chế có phục vụ đọc sách đáp ứng nhu cầu đọc của nhân dân; thu hút và tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động đọc, lan tỏa giá trị từ việc đọc đến cộng đồng, hướng đến phát triển văn hóa đọc bền vững; xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa nhà nước với tổ chức, cá nhân trong việc huy động các nguồn lực để phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.
Giải thưởng Phát triển văn hóa đọc được xét tặng dựa trên các nguyên tắc: thực hiện trên cơ sở tự nguyện; đúng đối tượng, tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục theo quy định của pháp luật về thi đua khen thưởng và các quy định pháp luật khác có liên quan; bảo đảm khách quan, chính xác, công bằng, công khai; ưu tiên xét tặng giải thưởng đối với các tổ chức, cá nhân có đóng góp cho sự phát triển văn hóa đọc tại khu vực biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn, nơi chưa có thư viện công lập.
Phát triển văn hóa đọc bền vững trong cộng đồng
Theo quyết định, Quy chế Giải thưởng Phát triển văn hóa đọc quy định về hoạt động xét tặng Giải thưởng Phát triển văn hóa đọc của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Quy chế áp dụng đối với tổ chức, cá nhân (bao gồm: cá nhân và nhóm cá nhân) có đóng góp cho hoạt động phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng; cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia tổ chức hoặc có liên quan đến hoạt động xét tặng giải thưởng.
Về tiêu chí xét tặng qiải thưởng, cần có các sản phẩm và dịch vụ hướng đến xây dựng kỹ năng đọc cho người đọc, thực hiện công tác tuyên truyền, quảng bá, bảo đảm ít nhất 85% người sử dụng của thư viện (đối với học sinh, sinh viên là 90%) có kỹ năng tiếp nhận, sử dụng thông tin, tri thức phục vụ học tập, nghiên cứu và giải trí; đồng thời đáp ứng yêu cầu đặc thù của mỗi loại thư viện.
Đối với thư viện công lập, thư viện cấp tỉnh thu hút ít nhất 500.000 lượt người sử dụng đối với thư viện vùng đồng bằng và 250.000 lượt người sử dụng đối với miền núi trong 1 năm; thư viện cấp huyện và thư viện cấp xã có lượt người sử dụng tăng ít nhất 15% so với năm liền kề với thư viện vùng đồng bằng và ít nhất 10% so với năm liền kề với thư viện vùng miền núi.
Thư viện cơ sở giáo dục đại học, thư viện cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và cơ sở giáo dục khác cần thu hút ít nhất 70% người sử dụng thuộc diện thư viện có trách nhiệm phục vụ. Thư viện có phục vụ người dân khai thác và sử dụng tài nguyên thông tin. Có số lượt người sử dụng tăng bình quân ít nhất 15% so với năm liền kề.
Đối với thư viện ngoài công lập, không gian đọc, phòng đọc cơ sở, cần có thư viện ngoài công lập có ít nhất 1.000 người thường xuyên sử dụng; có số lượt người sử dụng tăng bình quân ít nhất 20% so với năm liền kề. Không gian đọc, phòng đọc cơ sở có ít nhất 500 người thường xuyên sử dụng; có số lượt người sử dụng tăng bình quân ít nhất 15% so với năm liền kề.
Đối với đơn vị sự nghiệp công lập khác có hoạt động phát triển văn hóa đọc, cần có số lượt người tham gia sử dụng các dịch vụ và các hoạt động tuyên truyền, quảng bá phục vụ phát triển văn hóa đọc mỗi năm tăng ít nhất 20% so với năm liền kề.
Đối với các tổ chức, doanh nghiệp, cần tham gia tài trợ, vận động đóng góp cơ sở vật chất, tài nguyên thông tin, phương tiện cho thư viện, không gian văn hóa đọc phục vụ cộng đồng; tham gia các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, cung cấp sản phẩm và dịch vụ, phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng; thúc đẩy việc giao lưu hợp tác với các tổ chức, cá nhân khác trong và ngoài nước góp phần phát triển văn hóa đọc tại địa phương, Bộ, ngành.