Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo công tác phòng chống hạn, mặn tại ĐBSCL

Thứ hai, 8/4/2024 | 10:09 GMT+7
Ngày 7/4, tại Tiền Giang, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cùng đoàn công tác làm việc trực tiếp với tỉnh Tiền Giang và trực tuyến với các tỉnh Long An, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau về công tác phòng, chống hạn, mặn.

Báo cáo với Phó Thủ tướng, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh cho biết, trên cơ sở dự báo của cơ quan chuyên môn, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Tỉnh ủy, UBND tỉnh Tiền Giangđã ban hành trên 30 văn bản chỉ đạo thực hiện công tác phòng, chống hạn, mặn bảo vệ sản xuất và cấp nước sinh hoạt nông thôn trên địa bàn tỉnh. Tỉnh cũng đã công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai xâm nhập mặn, thiếu nước sinh hoạt trên địa bàn huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang.

Hiện nay đã vào đỉnh điểm mùa nắng nóng nên nhu cầu sử dụng nước tăng cao, nguồn nước tại các kinh, ao nội đồng đã cạn kiệt. Đa số các trạm cấp nước đang hoạt động cấp nước bình thường, một số trạm do thiếu nguồn nước thô nên đã giảm công suất sản xuất hoặc ngưng sản xuất phát nước. Khu vực các huyện thị phía Đông tỉnh Tiền Giang thiếu hụt khoảng 25.000 m3/ngày đêm.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cùng đoàn công tác làm việc tại tỉnh Tiền Giang

Công ty TNHH MTV Cấp nước Tiền Giang đang thực hiện điều tiết cấp nước theo ngày, theo khu vực để đáp ứng nhu cầu dùng nước cho người dân; phối hợp với UBND các huyện, thị xã phía Đông của tỉnh mở vòi nước công cộng tại các khu vực khó khăn, thiếu nước để người dân đến lấy miễn phí, phục vụ nước sinh hoạt cho người dân.

Ngoài ra, Công ty TNHH MTV Cấp nước Tiền Giang đã trang bị, vận chuyển 63 bồn chứa nước để cấp nước miễn phí cho người dân ở một số khu vực thiếu nước ở cuối nguồn, đặt tại 40 điểm có nhu cầu lấy nước và để lên xe vận chuyển nước đến nơi cấp nước miễn phí cho người dân các khu vực cuối nguồn bị thiếu nước.

Lãnh đạo tỉnh Tiền Giang kiến nghị Trung ương hỗ trợ tỉnh xây dựng cống Trà Tân, Ba Rài để khép kín vùng dự án Bảo Định mở rộng nhằm bảo vệ khoảng 130.000ha đất sản xuất nông nghiệp cho 2 tỉnh Tiền Giang và Long An; trong đó có 70.000ha diện tích vườn cây ăn trái có giá trị kinh tế cao của tỉnh Tiền Giang. Đồng thời, kiến nghị Trung ương hỗ trợ nâng cấp, mở rộng ao chứa nước. Cụ thể, nâng cấp, mở rộng ao Phú Thạnh 10ha và ao Tân Thới 6ha, với kinh phí 160 tỷ đồng để phục vụ cho người dân huyện Tân Phú Đông; nâng cấp, mở rộng ao Gia Thuận 10ha, ao Bình Thành 30ha, ao Gò Gừa 15ha, kinh phí dự kiến 300 tỷ đồng để phục vụ người dân huyện Gò Công Đông, Gò Công Tây và thị xã Gò Công.

Đại diện các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cũng đã báo cáo Phó Thủ tướng về tình hình phòng, chống hạn, mặn tại địa phương. Từ đó đề xuất, kiến nghị Chính phủ xem xét, hỗ trợ địa phương triển khai công tác phòng, chống hạn, mặn.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho biết, trong bối cảnh hiện nay, tình hình biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan ngày càng khốc liệt, khó khăn hơn. Các tỉnh đã kiểm soát được tình hình hạn, mặn trước mắt, điển hình như Tiền Giang và các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ về hạ tầng thủy lợi, phi công trình. Đặc biệt, các địa phương đã chủ động cung cấp đầy đủ thông tin; điều hành sản xuất hiệu quả giúp hoạt động sản xuất, kinh doanh hầu hết không ảnh hưởng; tình trạng thiếu nước sinh hoạt xảy ra nhưng mang tính cục bộ và đã có biện pháp giải quyết.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh vai trò chủ đạo của Nhà nước trong đầu tư các hệ thống cấp nước tập trung, có các trạm lấy nước nằm sâu trong vùng ngọt; đồng thời sắp xếp lại khu dân cư theo hướng tập trung, kết hợp chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, mùa vụ... Cần thiết kế các ứng dụng (app) thông tin thời tiết, tình hình xâm nhập mặn theo bản đồ thời gian thực để từng cộng đồng, người dân chủ động tích trữ nước sản xuất, sinh hoạt theo thời điểm thích hợp cùng với điều chỉnh cơ cấu nông nghiệp. Nghiên cứu và phổ biến những loại vật liệu mới, nhẹ để xây dựng các bể chứa nước lớn, thuận tiện, thân thiện môi trường.

Bên cạnh đó, các tỉnh ĐBSCL cần khẩn trương xem xét, đánh giá, tính toán lại quy hoạch về hạ tầng giao thông, thủy lợi, bố trí dân cư, hoạt động khai thác nước ngầm... trước tình trạng sụt lún, sạt lở ngày một gia tăng.

Về lâu dài, Phó Thủ tướng cho rằng cần đầu tư căn cơ, đồng bộ hạ tầng thủy lợi, cấp nước, phòng chống lũ lụt, xâm nhập mặn... theo quy hoạch và điều tiết hài hòa nguồn nước ngọt giữa vùng thượng nguồn và vùng đồng bằng trung tâm, ven biển với các hệ sinh thái kinh tế nước ngọt, nước lợ, nước mặn.

Gia Linh (T/H)